Friday, March 29, 2024

Chuyện quanh một hàng cháo ở Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) – Lần tay tính sổ các món ăn chơi đặc biệt của làng ẩm thực miền Nam, người ta hay cặp đôi món chè và cháo với nhau.

Sau những ngày giông bão, các quán ăn ở dọc con đường từ cầu Thị Nghè đến ngã ba Hàng Xanh lại ồn ào tấp nập trở lại. Nhất là buổi chiều tan sở làm về, những bà con xót ruột thích ăn một tô cháo đặc với đầy gia vị đủ món thịt gan, bao tử, huyết… và dầu cháo quẩy, được sắp đầy trong tô cháo màu nâu nâu bốc hương, khiến ai đi ngang cũng khó thể bỏ qua. Nó kêu gọi thực khách tụ tập để chờ tô cháo nóng, không những chỉ là món ăn vặt buổi xế mà người ta có thể dùng từ điểm tâm buổi sáng cho tới trưa chiều tối.

Món cháo lòng của bà cũng như mọi nơi khác, chỉ là một cái sạp nho nhỏ đầu hẻm. Trước kia sạp cùng với xe nước sâm, gánh bún riêu… lấn ra ngoài vỉa hè, sau bị dẹp đường phố nên tụt vào trong, không phải khách quen cũng chẳng ai chú ý để ghé vào chiếc sạp nhỏ xíu nằm khép nép bên vì tường.

Tủ đồng hồ, sạp cháo, gánh xôi, xe thuốc lá… đều cương quyết bám lấy vỉa hè sinh sống. Cứ đuổi thì dạt vào sát trong, có khi lui hẳn vào hẻm chờ thời. Thấy lơi lơi lại từ từ dịch ra. Tại khu trung tâm thành phố, hàng rong được tập trung vào vài chỗ nhưng ra xa hơn thì đâu vẫn vào đấy, khó mà dẹp nổi.

Trước đây bà Tư bán cháo cá ở cầu Ông Lãnh. Sau chục năm, bà trở về mua gian nhà nhỏ lần hồi buôn bán ở gần cầu xa lộ.

Cuộc đời người phụ nữ này khá đen đủi. Ở dưới quê không tấc đất cắm dùi, hai vợ chồng dắt díu nhau lên thành phố. Chồng đi làm phụ hồ, vốn là công việc phổ biến dành cho tất cả những người đàn ông nghèo thất nghiệp và không nghề nghiệp chuyên môn. Vợ buôn gánh bán bưng, sau đậu lại ở nghề bán cháo.

Chẳng may người chồng leo lên giàn giáo bị sập đè trọng thương, ông bị ép phổi, không có tiền chữa trị, chịu bệnh hành hạ mấy năm, có tiền ra tiệm thuốc tây mua vài viên thuốc uống cầm chừng, hết tiền thì chịu. Trước kia người nghèo đau ốm chịu chết. Sau này có bảo hiểm y tế tưởng chừng cứu vãn phần nào. Thế nhưng hầu hết người dân khỏe mạnh đều không mua bảo hiểm, lúc bệnh hoạn tai nạn thì bán nhà cửa, vay nợ nần ngập đầu lút cổ để trang trải chi phí. Sau này bảo hiểm yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình mua bảo hiểm chứ không bán lẻ, tránh tình trạng người bệnh mới mua bảo hiểm, người khỏe không mua khiến quỹ bảo hiểm cứ lăm le bị vỡ. Vài trăm ngàn cho mỗi thẻ bảo hiểm mà một người còn mua không nổi huống hồ cả gia đình buộc phải mua chỉ để chờ chữa trị cho một người. Người ta thà đến lúc đau mới vắt chân lên cổ chạy tiền chứ không mua bảo hiểm sẵn. Thành thử người nghèo vẫn cứ lao đao vì bệnh tật.

Ông Tư qua đời để lại một con gái. Giữa phồn hoa đô hội, bà Tư vất vả nuôi con. Đến năm mười tám tuổi, cô con gái có thể tiếp tay buôn bán, giúp đỡ nhiều cho mẹ, nhưng đến năm mười chín tuổi thì cô lập gia đình với một tài xế lái xe chở khách trên đường Sài Gòn đi Mỹ Tho. Cô sanh con và làm ăn tại quê chồng. Một thân một mình, cũng may là bà Tư còn gióng gánh nồi niêu soong chảo để tiếp tục nghề. Món cháo lòng Hàng Xanh của bà không thua gì cháo Bà Chiểu.

Khi đứa con lên ba tuổi thì con gái của bà Tư lại từ Mỹ Tho lên Sài Gòn do người chồng ưa nhậu nhẹt và thường xuyên đánh đập vợ. Phụ nữ dưới quê gặp chồng vũ phu ít dám phản đối vì muốn giữ mái gia đình, giữ cha cho các con nên gắng chịu đựng. Có người, chồng đánh thương tích đến vào bệnh viện mà không dám than thở với ai. Cô giúp mẹ buôn bán được vài bữa, bỏ đứa con trai nhỏ lại rồi biến mất. Bà mẹ tuổi còn quá trẻ bỏ con cho mẹ già để đi theo một người đàn ông làm công nhân ở khu chế xuất.

Bà Tư phải gởi đứa cháu trai nhờ hàng xóm trông, tiền công một triệu rưỡi mỗi tháng, mới rảnh tay nấu cháo mang ra đầu hẻm bán. Thời gian qua, nhiều vụ gửi trẻ cho hàng xóm trông nom, trẻ con bị đánh đập, bạo hành nhưng phụ huynh không gởi đó thì biết gửi con em vào đâu. Các trường mầm non công lập nhiều khó khăn như phải có hộ khẩu, học phí cao hơn và giờ giấc cố định, không linh hoạt như các chỗ giữ trẻ tư nhân. Dù biết không an toản nhưng phụ huynh vẫn phải gửi con em mình vì thế.

Buổi sáng bà đi chợ, làm hàng, đến trưa mới dọn ra bán lai rai đến tối. Về chiều, người qua đường ghé lại ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ quanh sạp của bà sì sụp thưởng thức món cháo bình dân. Nhờ thế nên bà Tư cũng sống được qua ngày.

Lúc khách đông bà làm không ngơi tay, đồ mồ hôi chẳng hề than thở một tiếng. Nồi cháo hết đầy lại vơi lần hồi nuôi bà và đứa cháu nhỏ. Mấy hôm trời mưa, hàng ăn buồn thiu vì thưa khách, xe cộ mạnh ai nấy lo chạy nhanh về nhà nhưng giông bão đã qua khách lại ghé hàng ăn. Dân Sài Gòn ưa ăn uống bên ngoài. Từ hàng ăn, quán nhậu, sạp, xe hàng rong… đều có khách bất kể sáng trưa chiều tối. Chắc một phần do khí hậu nóng nực nên người ta có cái thú ra ngoài đường ăn uống hóng gió, nhiều hơn các thành phố khác ở miền Bắc và miền Trung. Vào buổi tối, nhiều quán nhậu suốt đêm tới sáng mới vãn.

Khách đông và khen ngon miệng, người xin thêm giá sống, người khác thêm lòng hay huyết. Tô đầy thịt lại gọi thêm cháo. Cứ một tay thu tiền một tay múc cháo, còn chén bát tô dĩa thì đã có người ngồi sau lưng rửa ráy. Bà mướn phụ việc mỗi đêm bảy mươi ngàn là một phụ nữ ngoài sáu mươi tuổi mất hai đứa con, một trai một gái trong cơn bão ma túy hoành hành cách đây chục năm.

Bà Tư ngồi nói chuyện với khách quen.

-Từ nhỏ tôi chỉ ưa món cháo đậu đỏ ăn với nước dừa và mè rang. Sau đó lên Sài Gòn trọ chung với bạn hàng bán cá ở chợ cầu Ông Lãnh. Ban đêm nhân thể thấy cá từ Hậu Giang lên nhiều, cá dạt bán rẻ, công nhân khuân vác chợ thức đêm đói bụng nên tôi nấu cháo cá bán từ khuya đến sáng.

Một người khách nói: Ngon nhất phải kể đến cháo cá ở chợ Cái Bè. Buổi sáng ghé đó ăn, gọi thêm đầu cá lóc đi kèm bộ ruột mới đúng bộ, rồi vào nhà lồng chợ mua trái cây… Việt Nam nơi nào cũng trồng được trái cây. Thế mà nay phải đối phó với trái cây Trung Quốc, Thái Lan tràn vào như chỗ không người. Nông dân cứ theo tập quán trồng cây theo phong trào. Loại nào được giá đua nhau trồng, rớt giá đua nhau khóc. Vì vậy cứ thỉnh thoảng lại thấy rộ lên giải cứu nông sản, Hết cứu dưa hấu đến thanh long, hết cứu hành đến cứu gừng, tỏi… khiến người có lòng tốt đi mua hàng “giải cứu” hoài cũng đâm ngán.

Người phụ nữ là tay buôn bán tiền ngoại ở khu phố cất tiếng: Một tô cháo của bà Tư đầy lòng heo và gan bao tử chỉ hai mươi lăm ngàn thì quá rẻ. Tính ra chỉ hơn một đô. Vào tiệm mắc hơn nhiều vì còn thuế má, bàn ghế, nhà cửa thuê mướn… chứ ngon thì chưa chắc hơn.

Bởi sự rẻ hơn đó nên dân nghèo nhập cư tứ xứ đổ về thành phố ngày càng đông và đều chọn buôn bán ở vỉa hè, đường xá vốn là nơi chỉ cần lấy sức ra kiếm ăn mà không tốn một xu chi phí ngoài, trong đó tiêu biểu là gia đình bà Tư.

Ông xe ôm ngồi cạnh vừa ăn xong trả tiền và nói chuyện ngoài lề: Cháo cá rất bổ cho người muốn hồi sức. Cháo cật, cháo nấm…  đều tốt cho sức khỏe cả. Nhiều người cho rằng con rùa sống lâu nên ăn vào bụng chắc cũng bổ. Có lần tôi mua một con rùa dưới Chợ Cũ đem về nấu cháo. Lúc sôi giở nắp thì không thấy rùa đâu cả. Nghĩa là khi nấu chín rùa rục ra cả thịt cả mai ra thành nước cả. Nước cháo rùa non chỉ là nước lã chứ không béo bổ gì hết.

Cạnh hàng ăn bao giờ cũng là hàng nước. Xe nước mía bên cạnh bán từ năm ngàn nhảy lên bảy ngàn một ly lúc nào không biết. Chỉ ít người kêu, còn hầu hết khách lao động: chị công nhân, bà nội trợ, sinh viên trên đường đi học về… đều uống trà đá miễn phí từ chiếc bình nhựa lớn để trên bàn. Dù chỉ là sạp nhỏ bán cháo nhưng như hầu hết hàng ăn ở Sài Gòn, đều có bình trà giải khát cho thực khách.

Cách hàng cháo một quãng cũng có bình trà đá miễn phí do chủ ngôi nhà mặt tiền đặt bên vệ đường. Mấy năm gần đây, bắt đầu từ Sài Gòn, trà đá miễn phí, bánh mì miễn phí có mặt rải rác đây đó và lan rộng nhiều nơi khắp cả nước, là một chút ấm lòng cho người nghèo.

Cháo lòng cần đến sự khéo tay vì nếu không làm kỹ, có thể gây ngộ độc, nhất là các món ăn dãi dầu khói bụi ngoài đường. Dù sao khi người nghèo vẫn còn nhiều, khi túi tiền chưa cho phép thì vệ sinh thực phẩm vẫn còn xếp sau giá rẻ và tiện lợi. Du khách phương xa ít ai dám ghé những sạp hàng như sạp của bà Tư để nếm thử món ăn vỉa hè này.

Nồi cháo của bà Tư đến khuya mới hết. Tuy nhiên bà còn phải thức để dọn dẹp cho đến gần sáng mới quay vào nhà, với đôi chân đau nhức của bệnh thấp khớp hành hạ, nằm bên cạnh đứa cháu trai còn cha mẹ mà như mồ côi. Bà mong sao đứa cháu mau lớn trước khi bà quá già tới mức không còn sức làm việc. Ít ra nồi cháo lòng ở ngã ba sẽ còn bốc hơi nóng như sức sống mãnh liệt của bà, như mọi người lao động khác, đơn độc mà không than vãn không cầu cạnh với bất cứ ai cả. (Duy Thức)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách đổ bánh xèo miền Nam”

MỚI CẬP NHẬT