Thursday, March 28, 2024

Con du học không về, 4 quan chức ở Quảng Ngãi phải đền tiền tỷ

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Du học bằng tiền ngân sách nhà nước nhưng không về địa phương như cam kết, con của bốn quan chức ở Quảng Ngãi phải bồi thường tiền tỷ.

Thừa nhận với báo Người Lao Động ngày 10 Tháng Mười Hai, 2019, ông Đoàn Dụng, giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết qua kiểm tra xác định có bốn trường hợp du học ngoại quốc theo diện đề án “Thu Hút Nhân Tài” của tỉnh Quảng Ngãi nhưng không về làm việc tại tỉnh và bị buộc phải hoàn gấp đôi chi phí ngân sách đã chi với tổng số tiền khoảng 9 tỷ đồng ($388,219).

Cụ thể, bà Huỳnh Thị Lan Viên bồi thường hơn 2.05 tỷ đồng ($88,435), bà Nguyễn Lê Ngọc Hà trả lại gần 2.4 tỷ đồng ($103,534), bà Phạm Thị Mỹ Hạnh bồi hoàn  gần 3.5 tỷ đồng ($150,987) và ông Phạm Thành Việt gần 2 tỷ đồng ($86,270).

Qua kiểm tra thì bốn trường hợp này đều là con của các quan chức gồm cựu trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy (vừa nghỉ hưu), cựu trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy, giám đốc Sở Tài Chính và chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Quảng Ngãi.

Trong số này, con của ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Quảng Ngãi đang làm việc ở Sài Gòn. Ba trường hợp còn lại hiện đã ở lại ngoại quốc.

Giải thích với báo Zing lý do vì sao để con “xé rào” không về tỉnh làm việc, ông Phạm Tấn Hoàng nói: “Con trai tôi có học bổng nên nhà nước chỉ chi trả khoảng 700 triệu đồng ($30,194), nhưng vừa rồi tôi đã nhận quyết định của tỉnh yêu cầu phải trả lại gần hai tỷ đồng ($86,270). Sau khi tốt nghiệp về nước, cháu cũng đến nộp hồ sơ để tỉnh bố trí làm việc. Tuy nhiên, do thủ tục và thời gian chờ xét duyệt quá lâu và rườm rà nên cháu đã vào Sài Gòn tìm việc. Do vậy, tôi chấp nhận bồi hoàn lại tiền ngân sách cho tỉnh.”

Một trong số bốn quyết định yêu cầu bồi hoàn lại tiền đối với con của một số quan chức tỉnh Quảng Ngãi. (Hình: VietNamNet)

Trả lời với báo Dân Việt về việc dư luận cho rằng bốn trường hợp này đã tốt nghiệp rất lâu nhưng đến giờ mới bị đưa ra giải quyết, ông Đoàn Dụng khẳng định không có chuyện bao che.

“Theo quy định thì sau khi tốt nghiệp 12 tháng nếu không về trình diện và làm việc mới bị xử lý. Qua kiểm tra, đối chiếu thì bốn trường hợp này mới vừa hết thời gian trên,” ông Dụng nói.

Trước đó hồi Tháng Năm, 2012, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định thực hiện đề án “Đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.”

Đề án trên quy định: “Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học ngoại quốc xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học, được hỗ trợ 100% kinh phí.”

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2011-2015 là 150 tỷ đồng ($6.47 triệu). Trong đó, kinh phí đào tạo sau đại học ở trong nước là 30 tỷ đồng ($1.29 triệu), đào tạo ở ngoại quốc là 118.5 tỷ đồng ($5.11 triệu) và kinh phí triển khai thực hiện đề án là 1.5 tỷ đồng ($47,448).

Nói với báo Dân Việt, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Tri, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Hành Chính, cho rằng hiện tượng các tỉnh, thành ở Việt Nam bỏ tiền ngân sách đưa người đi ngoại quốc đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp không chịu trở về làm việc như cam kết không phải là hiếm.

Điển hình như Đà Nẵng từng xảy ra việc Trung Tâm Phát Triển Nguồn Nhân Lực Chất Lượng Cao thành phố Đà Nẵng nộp đơn khởi kiện 32 người tại tòa án các cấp để yêu cầu bồi hoàn kinh phí do “vi phạm hợp đồng đào tạo” với cam kết sau khi tốt nghiệp các học viên phải trở về làm việc cho thành phố ít nhất bảy năm. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT