Thursday, April 18, 2024

Công chức ở Quảng Trị ‘kêu trời’ vì bị ép ‘giải cứu’ ớt

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Doanh nghiệp liên kết trồng ớt với người dân rồi không thu mua. Để “giải cứu,” chính quyền huyện Cam Lộ ra văn bản “kêu gọi” mỗi công chức trong huyện mua 9 ký ớt.

Theo báo Người Lao Động, ông Lê Văn Thanh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hôm 18 Tháng Năm đã ký văn bản gửi các ban ngành, đoàn thể của huyện và ủy ban các xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ để kêu gọi “giải cứu” ớt cho người dân địa phương sau khi một công ty không thu mua sản phẩm như cam kết.

Ông Thanh cho hay, cuối năm 2017, công ty Cổ Phần Đầu Tư Quốc Tế Thiên An (địa chỉ trại ở thành phố Hải Phòng) và ủy ban huyện Cam Lộ đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ớt quả của huyện.

Bên cạnh việc cam kết tiêu thụ sản phẩm, công ty Thiên An hỗ trợ 48% chi phí trồng, chăm sóc cây ớt cho người dân. Trên cơ sở này, vụ Đông Xuân 2017-2018, có gần 200 nhà dân ở ba xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) tham gia trồng 17 hécta ớt (trong đó 4 hécta giống ớt Chỉ Thiên và 13 hécta ớt Sừng Trâu). Hầu hết số diện tích ớt được trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho sai quả.

Tuy nhiên, đến nay nhiều diện tích ớt trên địa bàn đã chín, cây bị héo chết, rụng quả (gây ảnh hưởng 50% sản lượng), nhưng công ty Thiên An lại không thu mua, tiêu thụ như cam kết với lý do thị trường không thu mua, giá cả quá rẻ. Dù rằng ủy ban huyện Cam Lộ đã hai lần liên tiếp yêu cầu công ty Thiên An thu mua ớt cho người dân nhưng đành “bất lực.” Trong khi đó, hàng trăm nhà dân trồng ớt trên địa bàn như ngồi trên đống lửa vì không biết bán ớt cho ai.

Ông Nguyễn Sừng (57 tuổi, trú tại thôn Đâu Bình 1, xã Cam Tuyền) cho biết thôn trồng khoảng 3 hécta ớt Sừng Trâu và Chỉ Thiên, do công ty Thiên An hỗ trợ giống và phân bón. Trong đó, gia đình ông Sừng trồng, chăm sóc hơn 2 sào (1,000 mét vuông) ớt và số diện tích này sinh trưởng, phát triển tốt.

Ớt chín đỏ vườn nhưng doanh nghiệp không thu mua. (Hình: VNExpress)

“Tuy nhiên, đến nay ớt đã chín rộ, héo rụng nhưng công ty Thiên An không thu mua như cam kết. Nhìn ớt chín, rụng đầy vườn chúng tôi rất đau lòng, vụ ớt này công sức chúng tôi bỏ ra coi như mất trắng,” ông Sừng bùi ngùi nói.

Theo báo VNExpress, trước tình trạng trên, huyện Cam Lộ ra văn bản gửi đến các công sở thuộc huyện “kêu gọi”cán bộ, công chức, người dân “phấn đấu” mỗi người mua 9 kg ớt quả với giá 5,500 đồng/kg.

“Qua kêu gọi, đã có hàng chục tấn ớt được ‘giải cứu,’ trong đó có một công ty trên địa bàn đã lên kết hoạch, cam kết thu mua 15 tấn ớt quả cho người dân với giá 3,000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 15 tấn ớt quả đang chín giữa vườn vẫn đang chờ ‘giải cứu’ và hàng chục tấn ớt quả sẽ chín trong thời gian tới,” phó chủ tịch ủy ban huyện nói.

Bạn đọc Thanh Doan bình luận trên báo VNExpress: “Ăn ớt ‘giải cứu’ nhiều nóng trong người, quý vị nên mua thêm dưa hấu ‘giải cứu’ về ăn kèm cho mát.”

Bạn đọc Anh Vu thì nói vui: “Mỗi công chức ăn xong 9 kg ớt thì còn cay hơn ớt.”

Bạn đọc Duy thẳng thắn góp ý: “Giải cứu ớt thì em chịu. Cả nhà em ăn 10 năm cũng chưa hết 9 kg ớt.”

Theo báo Người Lao Động, vài năm trở lại đây, điệp khúc “giải cứu” nông sản liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Không riêng Quảng Trị, mới đây chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng có thư kêu gọi cộng đồng “giải cứu” hàng ngàn tấn dưa hấu ở huyện Phú Ninh.

Dù mới được “giải cứu” xong nhưng khi được hỏi, nhiều nông dân cho biết vụ tới, họ vẫn tiếp tục trồng dưa hấu!

Ông Nguyễn Huy Bình (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) cho hay so với lúa, làm dưa hấu có lãi hơn nhiều. Ông nhẩm tính gia đình ông có 2 sào đất, nếu làm lúa được mùa thì mỗi năm thu hơn 6 tạ, bán được khoảng 4 triệu đồng (hơn $175).

Trong khi đó, với diện tích này, một vụ dưa hấu gia đình ông thu được khoảng 4 tấn. Nếu bán với giá 4,000 đồng/kg, ông bỏ túi 16 triệu đồng (hơn $702), trừ tất cả chi phí, vẫn còn lãi hơn 10 triệu đồng (hơn $438). (Tr.N)

9 học sinh và 1 giáo viên bị bắn chết trong trường học ở Texas

MỚI CẬP NHẬT