Friday, March 29, 2024

CSVN vẫn cho báo chí ‘chửi’ Trung Quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN cho báo chí nhà nước tiếp tục đả kích Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông nhưng với nhịp độ lai rai, không đồng loạt như hơn tuần lễ trước.

Hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, 2019, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Sự ngụy biện nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực” mượn lời một số chuyên gia quốc tế đả kích Trung Quốc cho nhóm tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam trên thềm lục địa.

Trong bài viết này, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Gregory Poling, một phân tích gia, giám đốc chương trình “Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu” (AMTI) của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) nói “Đây là những khu vực không thể chối cãi thuộc thềm lục địa Việt Nam, theo phán quyết của Hội Đồng Trọng Tài năm 2016 về Biển Đông.”

Lý do có sự hiện diện của tàu Haiyang Dizhi 8 và các tàu hải cảnh, dân quân biển Trung Quốc là để quấy nhiễu các hoạt động khoan dầu diễn ra tại block 06-02 của Hãng Rosneft (Nga), liên doanh với Việt Nam gần khu vực bãi Tư Chính.

“Việc khảo sát của tàu Hải Dương 8 cho thấy sự ngụy biện của Trung Quốc: họ phản đối công việc của các nước khác ngay trên chính vùng nước của các quốc gia này, nhưng lại tự cho mình quyền thoải mái khai thác ở bất kỳ nơi nào họ thích,” Tuổi Trẻ dẫn lời ông Poling.

Một chuyên viên ở trong nước, ông Vũ Thanh Ca của Đại Học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội cho rằng khu vực bãi Tư Chính và các bãi đá ngầm phụ cận hoàn toàn thuộc chủ quyền khai thác tài nguyên kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh đã ngang ngược vẽ cái chín vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” để biến khu vực vừa kể thành khu vực tranh chấp.

Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của Giáo Sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, chỉ ra ba điểm sai của Trung Quốc: “Đầu tiên, đường bờ biển Trung Quốc ở rất xa và không chồng lên EEZ của Việt Nam. Tòa trọng tài xử thắng kiện cho Philippines đã xác định không có thực thể nào là đảo ở Trường Sa, nên Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố EEZ của họ từ đây (đó là chưa kể trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp các thực thể tại Trường Sa cũng là hành vi trái luật).”

“Thứ hai, phán quyết bác yêu sách về ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc, bởi nước này là thành viên của UNCLOS (vốn không chấp nhận viện dẫn lịch sử trong các tranh chấp chủ quyền), và khẳng định ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc vô giá trị. Thứ ba, tàu khảo sát Trung Quốc hành động đơn phương và không yêu cầu cũng như không nhận được sự cho phép của Việt Nam,” theo báo Tuổi Trẻ.

Trong bài viết gửi Tuổi Trẻ, Tiến Sĩ James Kraska, giáo sư tại Trung Tâm Luật Quốc Tế Stockton, Đại Học Hải Chiến Mỹ, cũng “khẳng định luật pháp đứng về phía Việt Nam. Trên trang Twitter cá nhân, ông thậm chí còn khẳng định nếu kiện Trung Quốc thì Việt Nam thắng chắc.”

Bài viết nói trên của tờ Tuổi Trẻ mang tính phân tích và đả kích ôn hòa hành động và chủ trương muốn nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc. Một số báo mạng khác có các bài viết đả kích gay gắt hơn nên chỉ thấy xuất hiện được một hai giờ là bị rút xuống. Hoặc nếu được cho giữ lại thì bị cắt bỏ bớt những từ ngữ “diều hâu” và cái tựa nhẹ nhàng hơn.

Hôm Chủ Nhật, người ta thấy báo mạng VTC có bài viết “Không quốc gia nào có quyền trịch thượng ‘yêu cầu’ Việt Nam ngừng thăm dò ở khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.” Bài viết này đã bị gỡ xuống và chỉ còn thấy trên trang tuyên truyền của chế độ dưới tái tên “Nguyễn Xuân Phúc.”

Cũng trên cái trang “Nguyễn Xuân Phúc” người ta thấy trang này đưa bài viết nói là của báo Tiền Phong nhưng ngay ở đoạn mở đầu lại viết “Trả lời phỏng vấn Lao Động, ông Lê Văn Nghiêm – nguyên cục trưởng Cục Thông Tin Đối Ngoại, Bộ Thông Tin và Truyền Thông – nhận định, hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam là hành động vô lý, ngang ngược.”

Nhưng gay gắt hơn nhiều, có lẽ là bài viết trên Tuần Việt Nam (một chuyên trang phân tích và bình luận của VietNamNet trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN) ngày 25 Tháng Bảy với nội dung “Nhịn để được yên ổn làm giảm sức mạnh của Việt Nam.”

Trước khi bị đổi tựa và bị cắt bỏ đoạn mượn lời ông Chủ Tịch Viện Michael Dukakis, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ xúi rằng: “Mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, ‘nhịn để được yên ổn’ đều làm giảm sức mạnh lớn nhất của Việt Nam, sẽ gây tai hại cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

Cho tới giờ này, người ta thấy nhóm tàu Trung Quốc chạy ngang chạy dọc ở khu vực bãi Tư Chính và các khu phụ cận đã rời đi chưa hay vẫn ở đó quấy rối, cản trở hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam.

Hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Bảy, người ta thấy Hà Nội loan báo gia hạn hoạt động cho giàn khoan khảo sát Hakuryu-5 từ ngày 30 Tháng Bảy đến ngày 15 Tháng Chín. Công ty Nga Rosneft thuê giàn khoan vừa kể của Nhật. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ Tháng Năm vừa qua cho đến nay nhưng người dân chỉ được hiểu lờ mờ qua hệ thống thông tin một chiều của Hà Nội.

Cuộc đối đầu phía Nam quần đảo Hoàng Sa năm 2014 khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang 981 dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm người dân ở Việt Nam tức giận. Các cuộc biểu tình, đốt phá ở Sài Gòn, Bình Dương, Biên Hòa, Hà Tĩnh đã gây thiệt hại lớn cho hàng trăm công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT