Saturday, April 20, 2024

CSVN vẫn ‘kiên định’ với chính sách quốc phòng ‘3 không’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – CSVN vẫn giữ nguyên chính sách quốc phòng “3 không” như từng công bố 10 năm trước, dù đang bị Trung Quốc áp lực rất mạnh đối với chủ quyền biển đảo và đặc quyền kinh tế trên Biển Đông.

Hôm 25 Tháng Mười Một, 2019, Bộ Quốc Phòng CSVN tổ chức họp báo công bố bản “Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam” bằng hai thứ ngôn ngữ Việt và Anh, trước mặt báo chí quốc tế và trong nước.

Tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN, thuật lời Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại buổi công bố là chính sách quốc phòng của Việt Nam “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…”

Đây là lần thứ tư CSVN công bố “Sách Trắng Quốc Phòng.” Những lần trước là vào các năm 1998, 2004 và 2009.

Qua tin tường thuật của truyền thông nhà nước, như lời Tướng Vịnh, cho thấy Hà Nội muốn đưa ra thông điệp là chính sách quốc phòng của CSVN chỉ mang tính cách tự vệ, không có khả năng cũng như tham vọng lấn chiếm, bành trướng. Lực lượng quân sự của CSVN được đầu tư nhiều ít tùy thuộc phát triển kinh tế của đất nước chứ không “chạy đua võ trang.”

Những con số mà người ta được thấy công bố hàng năm, ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2.23% GDP, năm 2011 là 2.82%, năm 2012 là 2.88%… năm 2017 là 2.51% và năm ngoái 2018 là 2.36%.

Sách Trắng Quốc Phòng CSVN công bố ngày 25 Tháng Mười Một, 2019 tại Hà Nội. (Hình: VietNamNet)

Những vụ mua sắm lớn được dư luận chú ý là mua 36 chiếc khu trục đa năng Sukhoi Su-30MKV, 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, 4 hộ tống hạm lớp Gepart. Hồi đầu năm nay, mua thêm 64 xe tăng T-90. Tất cả đều do Nga cung cấp.

CSVN muốn mua sắm số lượng nhiều hơn những loại võ khí tối tân hơn, mạnh hơn, từ máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm, chiến xa nhưng ngân sách nhỏ bé không cho phép. Một số nhà phân tích từng cho rằng Trung Quốc chỉ cần vài giờ là có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng Hải Quân CSVN.

Bản “Sách Trắng Quốc Phòng” được CSVN công bố trong lúc chủ quyền biển đảo và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vẫn bị Bắc Kinh đe dọa nghiêm trọng. Từ đầu Tháng Bảy đến giữa Tháng Chín năm nay, Bắc Kinh cho một nhóm tàu hải cảnh, dân quân biển hộ tống tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính, quấy rối, đe dọa hoạt động khai thác, dò tìm dầu khí của Việt Nam tại lô 6-1, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký tham gia, công nhận.

Phó Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, từng đến Hà Nội giữa năm 2017 đe dọa sẽ đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam không chấm dứt dò tìm dầu khí trên Biển Đông. Vào thời gian này, Hà Nội phải bỏ ngang hợp đồng thuê công ty Repsol (Tây Ban Nha) khoan tìm dầu khí tại lô 136.3 cũng thuộc Bãi Tư Chính. Năm sau, Bắc Kinh làm áp lực tiếp buộc Hà Nội phải bỏ ngang dự án khoan tìm dầu khí tại lô 7.3.

Trước những áp lực liên tục của Bắc Kinh, Hà Nội bắn tiếng có thể sử dụng biện pháp pháp lý, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy có gì được tiến hành.

Trong bản “Sách Trắng Quốc Phòng” công bố hôm 25 Tháng Mười Một, VietNamNet kể rằng, “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hoà bình, ổn định của Việt Nam.”

Nhiều nhà phân tích thời sự, thời gian gần đây, khuyến cáo Hà Nội nên bỏ chính sách “3 không” mới có thể có cơ hội họp tác với các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, đối phó với tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc. (TN)

MỚI CẬP NHẬT