Wednesday, April 24, 2024

CSVN vẫn muốn làm đường xe lửa cho Trung Quốc hưởng lợi

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đang bị giới chuyên gia đả kích kịch liệt khi “tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.”

Mấy ngày gần đây báo chí tại Việt Nam dẫn ý kiến phản biện của nhiều chuyên viên kinh tế và chuyên môn về giao thông công chánh phân tích, bình luận về kế hoạch của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN chuẩn bị làm đường sắt nối liền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với cảng Hải Phòng của Việt Nam.

Không một ai trong số những người lên tiếng lại không nhìn ra cái bất bình thường của một dự án dự trù tốn kém hơn 100,000 tỷ đồng (hơn $4.3 tỷ) chỉ để Bắc Kinh mượn đường đưa hàng hóa từ Vân Nam xuất đi các nước, trong khi Việt Nam không có nhu cầu cho một dự án như thế.

Ngày 25 Tháng Mười Một, 2019, một số báo trong nước đưa tin Bộ Giao Thông Vận Tải chuẩn bị “trình chính phủ, quốc hội” một tuyến đường sắt mới từ Hà Khẩu tới Hải Phòng xuyên qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương “với chiều dài dự kiến khoảng 380 km, đường đôi khổ 1,435 mm điện khí hóa.”

Được biết hiện đã có tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhưng chỉ có khổ đường 1,000 mm kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu.

Theo báo Dân Trí, Bộ Giao Thông Vận Tải giải thích: “Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía Bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng – một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng vận tải trên hành lang Đông-Tây, góp phần quan trọng trong việc giao lưu quốc tế, khai thác có hiệu quả, phát huy thế mạnh của cảng biển khu vực Hải Phòng.”

Bộ này bật mí cho biết tiền nghiên cứu “quy hoạch” dự án “có chiều dài 392 km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng” sẽ do Bắc Kinh tài trợ 33 tỷ đồng (hơn $1.4 triệu) lại càng làm giới chuyên viên trong nước nhìn ra ngay “lòng tốt” của người đồng chí phương Bắc. Nói khác, số tiền nhỏ bé cho không đó che đậy mưu toan lợi dụng, tuy không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết các quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải thực hiện dự án với cơ hội “lại quả” hàng triệu đô la.

“Rõ ràng họ tài trợ để lấy suất xây dựng dự án này; phần tài trợ đó tất nhiên sẽ lái vào lợi ích của Trung Quốc và những điều chỉnh có lợi cho họ ở dự án trên,” bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế từ thời ông Phan Văn Khải còn làm thủ tướng trả lời phỏng vấn trên tờ Dân Trí hôm 26 Tháng Mười Một. “Bộ Giao Thông Vận Tải báo cáo tuyến đường sắt sẽ chạy 15 chuyến/ngày. Việt Nam lấy đâu ra người và hàng để lấp đầy cho những tuyến tàu đó. Nói cho cùng, tuyến đường sắt này sẽ chạy có mục đích phục vụ hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí cửa ngõ đi nhiều nước khác.”

Không những vậy, bà nói: “Tôi rất băn khoăn là liệu những con tàu này ngoài các hàng hóa thông thường, có còn chứa những hàng mà Việt Nam không kiểm soát được hết như hàng gian, hàng lậu, thậm chí hàng giả ‘Made in Vietnam.’ Tôi rất lo ngại tuyến đường có thể thành tuyến buôn lậu mới vì hàng trên tàu này sẽ được đưa lên từ Trung Quốc và được rải dọc đường.”

Theo báo Một Thế Giới, ngày 22 Tháng Mười Một vừa qua, “Đoàn công tác của Bộ Giao Thông Vận Tải do Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn mới đây đã có buổi làm việc với Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.” Tức là bộ này cho người đi vận động vây cánh để làm áp lực thực hiện dự án.

Báo Một Thế Giới phỏng vấn ông Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Hà Nội, cho biết: “Rất nhiều người nói Bộ Giao Thông Vận Tải là bộ tiêu tiền mà không quan tâm tiền đó lấy từ đâu. Kể cả có đi vay được thì chúng ta cũng không thể cứ thế mà đi vay mãi. Trong khi, 100,000 tỷ đồng là một khoản đầu tư rất lớn đối với nền kinh tế. Nhà nước cần phải cân nhắc, đắn đo như một nhà đầu tư thực thụ, phải tính đến hiệu quả.” Ông cho rằng nếu dự án được thực hiện sẽ rơi vào cái bẫy nợ của Trung Quốc. Đồng thời, ông còn cho rằng làm đường sắt Hà Khẩu-Hải Phòng chỉ là thực hiện chiến lược “Vành Đai-Con Đường” của Trung Quốc.

Báo Đất Việt thuật lời ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông (JICA), cho rằng: “Việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt sẽ chia sẻ lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa hai lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Trong khi đó, giao thương vận tải hàng hóa giữa các tỉnh Lào Cai và miền núi phía Bắc về Hải Phòng để xuất cảng không nhiều đến mức cần làm một tuyến đường sắt có chi phí tới $4-$5 tỷ như vậy.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT