Thursday, March 28, 2024

CSVN vi phạm nhân quyền sẽ ‘rủi ro’ cho thỏa hiệp thương mại với EU

NEW YORK CITY, New York (NV) – Nhà cầm quyền CSVN muốn sớm đạt được thỏa hiệp tự do thương mại với Liên Hiệp Âu Châu (EU) nhưng sẽ gặp “rủi ro” vì “hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam.”

Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) ở New York viện dẫn một bức công văn của 32 nghị viên Nghị Viện Liên Âu mới gửi cho Cao Ủy Thương Mại EU Cecilia Malmström và Đại Diện Cấp Cao Federica Mogherini nêu ra các quan ngại nghiêm trọng về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam.

Các nghị viên nêu “việc giam giữ những người bất đồng chính kiến, cản trở tự do ngôn luận và tự do lập hội, thiếu tự do báo chí và truyền thông, và kiểm duyệt mạng Internet” của nhà cầm quyền CSVN để cảnh báo rằng nếu tình hình không được cải thiện, họ “sẽ khó lòng” phê duyệt chung cuộc thỏa thuận thương mại nói trên – là bước cần thiết để thỏa thuận đó có hiệu lực, theo thông tin của HRW.

Theo bản công văn được HRW thuật lại, các nghị viên kêu gọi tổ chức EU đưa ra một loạt các mốc đánh giá về nhân quyền mà chế độ Hà Nội cần phải đạt được trước khi các thỏa thuận được trình lên để Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, cụ thể là trong các lĩnh vực tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.

Sau một cuộc gặp với đối tác Việt Nam vào Tháng Sáu vừa qua, Cao Ủy Malmström phát biểu về Việt Nam như một “ví dụ điển hình về một quốc gia đang phát triển đã nắm bắt được các cơ hội thương mại toàn cầu rộng mở, song song với các cam kết rõ rệt về tôn trọng nhân quyền.” Nhưng các “cam kết” này vẫn chưa được thực hiện, theo như chính EU nêu trong nhận xét đưa ra chỉ vài tuần sau đó, khi một nhà hoạt động nữa – cũng như hơn một trăm người khác ở Việt Nam – bị xử án tù vì các hành vi hoạt động ôn hòa.

Theo HRW, Việt Nam đang khao khát thỏa thuận màu mỡ này, khiến EU có lợi thế đáng kể trong đàm phán, và “đáng khen cho các nghị viên đang vận dụng lợi thế đó để yêu cầu đạt được các cải thiện cụ thể về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.”

HRW cho rằng “Ủy Ban Châu Âu và Ban Đối Ngoại Liên Minh Châu Âu cần theo gương đó: rốt cuộc, thì chính sách thương mại của EU vốn được thiết kế như một công cụ thúc đẩy nhân quyền ở các nước thứ ba, và các ngoại trưởng EU đã cam kết vận dụng chính sách này theo hướng đó. Đây là lúc thích hợp nhất để thực hiện cam kết này.”

Cuối năm ngoái, chính phủ Đức đã chặn bản thỏa hiệp tự do thương mại giữa Hà Nội và Liên Âu sau khi họ điều tra thấy nhà cầm quyền CSVN đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức tham nhũng của chế độ đang trốn ở nước Đức, bất chấp luật lệ của nước Đức cũng như luật pháp quốc tế.

Càng ngày, các bản án đối với những người dân can đảm dấn thân vận động cho nhân quyền, tự do dân chủ tại Việt Nam, càng bị chế độ Hà Nội trừng trị với những bản án nặng nề gấp đôi, gấp ba mấy năm trước. Tuy họ chỉ sử dụng các quyền tự do căn bản của người dân mà chế độ viết công nhận ngay trong hiếp pháp, họ vẫn bị bắt giam, lôi ra tòa áp đặt các bản án vô cùng nặng nề.

Mới đây nhất và ngay trong Tháng Chín, ông Nguyễn Trung Trực bị kết án 12 năm tù hôm 12 Tháng Chín, 2018, tại Quảng Bình. Ông Nguyễn Văn Túc bị y án 13 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm tại tỉnh Thái Bình ngày 14 Tháng Chín. Tháng trước, ông Lê Đình Lượng bị kết án tới 20 năm tù hôm 16 Tháng Tám tại Nghệ An. Tất cả đều bị vu cho tội “hoạt động lật đổ…” trong khi các luật sư đều chứng minh họ không làm gì trái hiến pháp, luật pháp ngoài sự suy diễn áp đặt của nhà cầm quyền.

Giữa Tháng Tám, trên mạng xã hội thấy luân lưu kháng thư của Hội Cựu Tù Lương Tâm tại Việt Nam kêu gọi mọi người ký tên lên án các phiên tòa bất chấp luật tố tụng hình sự và sự hung bạo của công an CSVN.

Bản kháng thư tố cáo chế độ Hà Nội “Chủ trương khủng bố bằng bạo lực vũ khí như cấm cản, hành hung, tước đoạt, giam giữ vì những lý do vu vơ, những nghi ngờ vô bằng cớ… hay bằng bạo lực hành chính như ra những luật lệ trói tay, bịt miệng quốc dân, tạo cơ hội thuận lợi cho quốc thù… chẳng những không làm cho nhân dân sợ hãi, còn khiến tích tụ sự phẫn uất của quần chúng, chẳng những không ổn định xã hội, mà còn làm yếu nhược tổ quốc, chẳng những không làm tăng sức mạnh của luật pháp, mà còn làm giảm tính chính danh của nhà cầm quyền.”

Trước những chủ trương chống lại chính nhân dân của mình của một chế độ tuyên truyền là “của dân, do dân, vì dân” như thế, kháng thư cảnh cáo chế độ Hà Nội rằng “Không có chế độ nào xây trên bạo lực mà tồn tại dài lâu và không có hành vi nào làm do ác tâm mà chẳng tạo nghiệp quả. Đừng tưởng nắm quyền lực tuyệt đối sẽ ung dung hành xử bất cần lề luật, sẽ chẳng hề hấn gì khi cởi bỏ Hiến Pháp. Cộng Sản nên nhớ mình đang tự làm dài bản cáo trạng và làm dày hồ sơ tội ác của đảng.” (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT