Thursday, March 28, 2024

Cù lao Thạnh Hội bị ‘cát tặc’ tàn phá, chính quyền bất lực

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Cù lao Thạnh Hội trên sông Đồng Nai với vườn cây trái xanh tươi, khí hậu trong lành đang bị tàn phá do tình trạng khai thác cát lậu tung hoành nhiều năm nay, nhưng chính quyền bất lực.

Cù lao Thạnh Hội, còn gọi là cù lao Rùa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có dòng sông Đồng Nai chảy qua và có miệt vườn cây trái xanh tươi, khí hậu trong lành, nhưng nay do tình trạng khai thác cát lậu tung hoành liên tục nhiều năm qua, cùng với nhiều tàu trọng tải lớn qua lại trên sông đã làm đôi bờ cù lao sạt lở nghiêm trọng, đáy sông bị xoáy sâu đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

Theo báo SGGP, đứng trên núi Bửu Long ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, hay núi Châu Thới, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, phóng tầm mắt nhìn xuống cù lao Thạnh Hội khảo sát dọc bờ cù lao mạn thuộc tỉnh Bình Dương, xót xa khi thấy nhiều đoạn bờ sông bị nước ngoạm sâu vào đất liền hàng chục mét; nhiều bờ kè bê tông nứt toác, gãy gập, chực chờ rơi xuống dòng nước xoáy, hàng chục tàu bè, sà lan quay mũi vào bờ nằm bất động.

Bà Hoàng Thị H. (60 tuổi, ở xã Thạnh Hội) cho biết: “Ban ngày các chủ tàu cho nhân công làm việc khác, đợi đêm xuống mới thả vòi xuống lòng sông và nổ máy hút cát làm ồn ào cả một vùng quê. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua, dù bị chính quyền xua đuổi nhưng không ăn thua.”

Nhộn nhịp nhất là ở khu vực ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, với xã Thái Hòa, thị xã Tân Uyên. Tại đây, nhiều sà lan lớn với trọng tải hàng chục ngàn khối án ngữ suốt ngày đêm, hút trộm cát giữa “thanh thiên bạch nhật” bằng thiết bị hút hiện đại, có thể hút được hàng trăm khối cát chỉ trong vài chục phút, khiến công an rất khó phát hiện.

Việc khai thác cát trái phép trong thời gian dài đã khiến cù lao Rùa hứng chịu nhiều vụ sạt lở, cuốn trôi nhiều đất đai, tài sản của người dân. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, chỉ riêng xã Thạnh Hội có hơn 20 đoạn bờ kè (dài nhất khoảng hơn 200 mét) được người dân xây hàng trăm triệu đồng bị nước cuốn phăng. Bình quân mỗi tháng đoạn sông này vùi lấp một bờ kè chắn sóng. Nghiêm trọng hơn, vào Tháng Năm, 2018, sạt lở đã nhấn chìm toàn bộ chợ dân sinh rộng hàng trăm mét vuông thuộc xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa.

Bờ kè bê tông ở cù lao Rùa cũng bị sạt lở xuống sông. (Hình: Lao Động)

Tình trạng trên khiến vùng cù lao này bị thu hẹp tới hơn 10 hécta. Nhiều người dân tại xã Tân Hạnh lo lắng nguy cơ cù lao bị xẻ đôi nếu phần cổ rùa không được bảo vệ và khoảng cách đôi bờ nới rộng hơn. Đặc biệt, đáy sông ngày càng sâu hơn và hiện ở mức hơn 40 mét, sâu gấp đôi so với 10 năm trước.

Nói với báo Lao Động, một người dân sống ở cù lao Rùa bất bình cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra lâu rồi làm cho việc sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm đến cuộc sống của người dân. Cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không biết ngôi nhà sẽ bị sạt lở khi nào rất nguy hiểm. Trước tình trạng ‘cát tặc’ lộng hành gây sạt lở nghiêm trọng bà con chúng tôi đã gửi nhiều đơn kiến nghị.”

Chính quyền không giải quyết được nạn “cát tặc” nên một số nhà dân ở Thạnh Hội buộc phải đối đầu với “cát tặc” bằng cách thức đêm, trang bị đèn pha mỗi khi nhóm khai thác cát hoạt động là xua đuổi, thậm chí phải đối mặt nguy hiểm khi nhóm này còn manh động chống trả lại người dân.

Theo người dân ở đây thì sau khi các nhóm khai thác cát trong đêm sẽ vận chuyển, chở đến bán cho các vựa cát trong địa phương. Lợi dụng các bãi cát ven sông, nhóm này tiêu thụ, khi kiểm tra họ đều xuất được hóa đơn cát dưới miền Tây chở lên nhưng thực chất là cát khai thác cát lậu.

Hôm 8 Tháng Chín, 2018, báo SGGP dẫn lời ông Trần Kim Quang, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thạnh Hội, bất bình cho biết, cù lao Rùa đang bị xâm lấn mỗi ngày nhưng địa phương thì bất lực.

Ông cho rằng, “sự bất lực đến từ việc không quyết liệt, đồng bộ của các đơn vị phối hợp khi đi chống khai thác cát trái phép.”

“Đi chống ‘cát tặc’ mà cán bộ chủ yếu đứng trên bờ nhìn xuống. Cứ như đi cho có, như cưỡi ngựa xem hoa khơi khơi,” ông Quang nói.

Theo ông, “các lực lượng chức năng chủ lực là công an kinh tế, môi trường thì không làm tới cùng để truy ra kẻ cầm đầu.”

Do đó, sau rất nhiều lần tịch thu phương tiện hút cát trái phép, cơ quan chức năng ra thông báo tìm chủ sở hữu thì không ai đến nhận. Như vậy chỉ xử lý được phần ngọn, còn phần gốc là các đầu nậu, chủ phương tiện thì các địa phương chưa một lần làm được. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT