Friday, March 29, 2024

Cứ tới lễ, cáp quang biển Việt Nam lại đứt!

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 24 Tháng Tám, 2018, tràn ngập lời ta thán, hoài nghi về việc tuyến cáp quang biển AAG mới sửa xong được một tháng thì nay lại “bị hư, chưa biết khi nào sửa xong,” theo truyền thông trong nước.

Báo VietNamNet cho biết nguyên nhân lần này là “rò nguồn điện hệ thống AAG tại khu vực cách trạm cập bờ Vũng Tàu 250 km.”

“Đây là lần thứ tư tuyến cáp quang biển AAG gặp trục trặc trong năm nay. Trước đó, đơn vị vận hành tuyến cáp này đã phải sửa chữa đường truyền vào các ngày 6 Tháng Giêng, 22 Tháng Năm và 16 Tháng Sáu, 2018. Điều đáng nói là trục trặc gần nhất trên nhánh S1H của tuyến cáp biển AAG chỉ vừa mới được khôi phục 100% kênh truyền vào ngày 19 Tháng Bảy, 2018,” VietNamNet cho hay.

Tin cho hay, tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam hiện đều khai thác và dùng tuyến cáp quang biển AAG.

Do vậy, mỗi khi tuyến cáp này “gặp sự cố” kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Singapore và Mỹ trở nên rất chậm, ngay cả việc truy cập email, mạng xã hội hoặc gọi điện video qua ứng dụng chat cũng rất khó khăn.

Chưa rõ thời điểm sửa xong lần hư cáp quang này. Tuy vậy, trên mạng xã hội, nhiều blogger gọi thẳng tên trục trặc “đến hẹn lại lên” này là “bóp mạng,” từ mô tả việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet “giảm băng thông dịch vụ Internet một cách có chủ đích.”

Suy đoán này được căn cứ vào “lịch hư cáp” thường xảy ra vào các thời điểm mà nhà cầm quyền cho là “nhạy cảm chính trị” như dịp 30 Tháng Tư, hay 2 Tháng Chín hằng năm.

Ngoài ra, cáp quang cũng được ghi nhận “bỗng nhiên muốn đứt” vào các dịp họp Quốc Hội CSVN, hoặc khi có phiên tòa xử tù nhân lương tâm được giới quan sát quốc tế chú ý, có lời kêu gọi biểu tình phát đi trên mạng xã hội.

Sau những cột mốc đó, thường thì truyền thông trong nước đăng tải thông báo “tuyến cáp biển AAG đã được sửa chữa, lưu lượng Internet nay trở lại bình thường.”

Có thể sau khi bị cư dân mạng chế giễu lý do thường trực là “cá mập cắn cáp” nên trong những “sự cố” gần đây, các báo không còn viện dẫn chi tiết này, thay vào đó là “nguyên nhân chưa được xác định” hoặc “tuyến cáp đang trong giai đoạn bảo trì.”

Hồi năm 2015, một số Facebooker phát động phong trào làm đơn khiếu nại về việc đứt cáp quang AAG ảnh hưởng đến công việc và tiện ích của người dùng dịch vụ. Những trường hợp kiên trì thì được nhà mạng “gửi thư xin lỗi và xác nhận không thu phí dịch vụ.”

Tuy vậy, số đông người dân tại Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc ta thán trên mạng xã hội về dịch vụ Internet, vì dù có chuyển đổi nhà mạng thì “lịch cắn cáp” vẫn xảy ra đều đặn mỗi năm. (T.K.)

Hà Nội cấm triệt để xe gắn máy vào năm 2030

MỚI CẬP NHẬT