Thursday, March 28, 2024

Cử tri đòi ‘ứng viên’ chủ tịch nước công khai tài sản và chương trình hành động

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục cử tri, phần lớn là những nhân vật tiếng tăm, đồng ký tên trong thư ngỏ kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng “ứng viên chủ tịch nước” công bố chương trình hành động và công khai tài sản.

“Cũng như quý vị đại biểu Quốc Hội, chúng tôi – những công dân và cử tri ký tên dưới đây – ý thức được tầm quan trọng của chức danh chủ tịch nước và mong muốn ứng viên được chọn cho vị trí này phải trình bày và cam kết thực thi ‘chương trình hành động’ trước khi được bầu chọn làm chủ tịch nước, đồng thời ứng viên đó phải ‘nêu gương’ công khai, minh bạch và trong sạch từ chính bản thân mình.”

Bức thư ngỏ của 85 người gửi Quốc Hội CSVN đề ngày 18 Tháng Mười, 2018 viết như vừa kể và họ cũng được biết ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại hội nghị lần thứ 8 ngày 6 Tháng Mười, 2018 vừa qua đã “nhất trí” 100% đề cử ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng làm ứng viên độc diễn để “Quốc Hội” “nhất trí” bỏ phiếu cho ông ngồi luôn trên cái ghế chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết bất ngờ ngày 21 Tháng Chín, 2018. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó chủ tịch nước chỉ được cho làm “quyền chủ tịch nước” tức làm tạm thời chờ quốc hội họp để chính thức cử người thay thế. Cái ghế chủ tịch nước, trong hệ thống quyền lực CSVN, có tính cách nghi lễ và thủ tục ký tên đóng dấu phong hàm tướng, ban hành luật lệ nhưng thường do một ủy viên bộ chính trị nắm giữ. Quyền hành chóp bu của cái chế độ độc tài đảng trị của Việt Nam nằm trong tay tổng bí thư đảng.

Theo các cử tri viết trong bức thư ngỏ theo Điều 35 Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Ðồng Nhân Dân 2015, bản kê khai của ứng viên Nguyễn Phú Trọng đã được nộp cho các cơ quan tổ chức bầu cử, nghĩa là đã có sẵn thì việc công khai cho dân biết qua các phương tiện thông tin đại chúng là chuyện thật dễ dàng “để báo chí, nhân dân giám sát.”

Đặc biệt, các cử tri viết “vấn đề ‘nêu gương’ của cán bộ lãnh đạo, trước hết là ủy viên BCT, ủy viên BBT, ủy viên BCHTW đã được HNTW 8 mới đây xác định là một chủ trương và đường lối lớn của đảng nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân đối với đảng vốn đã bị xói mòn trầm trọng trong thời gian qua!”

Tuy các chức sắc của chế độ viết bản kê khai tài sản hàng năm để chống tham nhũng nhưng không hề thấy được phổ biến công khai trong khi nhà nước tuyên truyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.”

Bức thư ngỏ nhắc lại cho hay, cách đây năm tháng, ngày 6 Tháng Năm, 2018, có “70 công dân chúng tôi đã có thư gửi TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ông phải công khai bản kê khai tài sản cá nhân như quy định của Ban Bí Thư Trung Ương ĐCSVN đối với các cán bộ lãnh đạo (như đòi hỏi của BBT trong Quyết Ðịnh số 99/QĐ-TƯ ngày 3 Tháng Mười, 2017). Nhưng rất tiếc, đến nay chúng tôi chưa nhận được hồi âm từ TBT Nguyễn Phú Trọng!”

Trong số 85 cử tri ký tên trong bức thư ngỏ đề ngày 18 Tháng Mười, 2018, người thấy có tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tống Văn Công, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Đình Cống, Kha Lương Ngãi, Mạc Văn Trang, Nguyễn Xuân Diện, Đào Tiến Thi, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Hồ Ngọc Nhuận, Hà Sỹ Phu, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu…

Ngay sau khi hệ thống báo đài chính thống của chế độ loan tin ông tổng bí thư đảng CSVN được đề cử nắm luôn chức chủ tịch nước, cũng hệ thống tuyên truyền một chiều này đua nhau ca ngợi trung ương đảng là “sáng suốt,” là “hợp lòng dân, ý đảng,” là “bước tiến dài của nước ta”…

Nhiều blogger “lề trái” trên các trang Facebook cá nhân bèn dẫn lại một lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng hồi Tháng Năm năm ngoái, cũng trong một cuộc tiếp xúc với “cử tri,” ông kêu “Bí thư mà kiêm luôn chức chủ tịch thì to quá. Ai kiểm soát ông?”

Bây giờ, chính ông lại ngồi trên cả hai ghế nhưng ông lại phủ nhận không phải là “nhất thể hóa” giống chế độ độc tài đảng trị tại Trung Quốc mà ông bị đẩy vào đó chỉ vì “giải pháp tình hướng” vì ông chủ tịch nước Trần Đại Quang chết bất ngờ.

Một số người đặt câu hỏi, nếu là “giải pháp tình huống,” sao không để bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp tục làm “quyền chủ tịch nước” hoặc chính thức làm chủ tịch nước khi quốc hội của chế độ họp hai tuần nữa để bỏ phiếu. Hoặc một người nào khác được bầu lên để ông tránh cái tiếng “nhất thể hóa.”

Thêm nữa, báo chí chế độ ca ngợi việc ông nắm luôn ghế chủ tịch nước là “hợp lòng dân” thì dân có được hỏi ý kiến đâu, dân có bầu chủ tịch nước, chủ tịch đảng, bầu các đại biểu quốc hội đâu? Tất cả đều do bè đảng CSVN tự “cơ cấu” với nhau rồi dàn cảnh bầu bán chiếu lệ “đảng cử dân bầu.” (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT