Thursday, March 28, 2024

CSVN muốn xây nhà sàn và ao cá ông Hồ trên đất cướp của dân Thủ Thiêm

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh Thủ Thiêm được coi là “thủ phủ dân oan mất đất,” và những người dân ở đây phải đi khiếu kiện ròng rã hơn 20 năm trời mà chưa biết kết quả thế nào, thì chính quyền ở Sài Gòn lại tiếp tục công bố dự định xây nhà sàn và ao cá Hồ Chí Minh ở quảng trường tại Thủ Thiêm.

Trước đó, chính quyền thành phố này còn muốn xây nhà hát giao hưởng hơn $64 triệu nằm bên cạnh Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch Thành Phố trị giá $35 triệu nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm, mà theo báo Zing hôm 11 Tháng Mười, 2018, mô tả là “Hiện tại lô đất này là vùng đầm lầy, cây cối mọc um tùm. Một phần diện tích là mặt hồ đầy rau muống.”

Theo báo InfoNet, ngày 12 Tháng Mười, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn vừa có văn bản gửi Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch đề nghị cho ý kiến về quảng trường trung tâm tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Báo này cho hay, dự án quảng trường gồm các hạng mục “quảng trường, cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày hiện vật về Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá gắn liền với ông này.”

Cũng cần nói thêm là ao cá ông Hồ tại Hà Nội gần như chỉ có công dụng là nơi để Chủ Tịch Quốc Hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân phô diễn màn cho cá ăn mỗi khi đón tiếp các nhà lãnh đạo ngoại quốc đến thăm Việt Nam.

Người dân Thủ Thiêm đã chịu đựng khổ cực hơn 20 năm theo dự án Thủ Thiêm. (Hình: Dân Việt)

Khu quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại Thủ Thiêm dự trù được xây dựng trên diện tích 27 hécta. Quảng trường được công bố là “lớn nhất Việt Nam,” bởi vì từ trước đến nay thành phố này “chưa đầu tư xây dựng quảng trường phục vụ lợi ích xã hội mang tầm vóc lớn, xứng tầm là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước để phục vụ nhu cầu của nhân dân.”

Không thấy các báo ở Việt Nam đề cập về kinh phí xây quảng trường và những công trình liên quan đến ông Hồ, nhưng chắc chắn những con số cho dự án này không thể dưới trăm triệu đô la từ tiền thuế của dân.

Hôm 13 Tháng Mười, nhiều blogger đồng loạt bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về đề nghị nêu trên. Hầu hết ý kiến cho rằng nếu đã xây các công trình liên quan đến ông Hồ ở Thủ Thiêm thì cần xây thêm “chi nhánh” lăng mộ của ông này cho “trọn vẹn.”

Ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội, đưa giải thích trên trang cá nhân: “Một giáo sư Harvard khả kính đã nói con đường phi kinh tế nhất được xây dựng tại Việt Nam nhưng không ai dám phản đối vì những người quyết định đã đặt tên cho nó là đường Hồ Chí Minh. Nay mấy ông chính quyền ở Sài Gòn lại xài chiêu này để che đậy tội ác họ đã gây ra ở Thủ Thiêm? Còn mấy năm sau, dân đổi tên thì các vị ấy đã tút sang Canada rồi.”

Bà Trần Thị Mỹ, một người dân Thủ Thiêm, đã nhiều năm liên tục đi khiếu kiện do những sai phạm của chính quyền ở Sài Gòn khi triển khai dự án này. (Hình: Một Thế Giới)

Trong một diễn biến khác, nhằm giảm bớt phần nào sự phẫn nộ của công luận trước việc vung tay chi hàng chục triệu đô la xây nhà hát trong lúc trẻ em không đủ chỗ nằm trong bệnh viện, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên báo Zing: “Bên cạnh việc xây nhà hát giao hưởng, thành phố cũng xây thêm ba bệnh viện ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Thủ Đức.”

“Không phải vì đầu tư nhà hát mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ ủy ban vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như Sài Gòn đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện… Nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan,” báo Zing dẫn lời ông Phong. (T.K.)

Mời độc giả xem bình luận “Giờ Giải Ảo: Căn bản kinh tế trong Thời Đảo Điên”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT