Friday, March 29, 2024

Hà Nội cứu ‘cây ông Hồ,’ chặt cây ngoài đường

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo nhà nước ở Việt Nam đồng loạt đăng bài về việc chính quyền Hà Nội cử một đội gồm 11 người để cứu một cái cây đã mục ruỗng được trồng trong Phủ Chủ Tịch từ nhiều chục năm qua.

Báo VNExpress mô tả đây là “cây trường xanh 60 năm tuổi” do ông Hồ Chí Minh trồng và “gắn bó những năm cuối đời.” Cái cây nay được ghi nhận “bị sâu đục thân tấn công, vỏ hỏng, gỗ bên trong bị khô, lá quăn queo, thân cây có nhiều lỗ bị mọt đục và nấm…”

Theo tờ báo, một nhóm cứu hộ 11 người được huy động để cứu cây dưới sự điều hành của ông Trần Ngọc Nam, tổng giám đốc Công Ty Sản Xuất Thương Mại Đại Nam, chuyên về sản xuất phân vi sinh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Báo VNExpress cho hay nhóm này đã khoét bỏ hết các phần sâu, mục và lắp khung inox bên trong thân cây. Sau khi cái cây xanh tốt trở lại, ông Nam “được nhận bằng khen của Bộ Trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch CSVN Nguyễn Ngọc Thiện.”

Còn theo báo Tuổi Trẻ, cái cây này “từng được ông Hồ cứu năm 1967 khi những người thợ định chặt cây để lấy chỗ xây cho ông một ngôi nhà kiên cố để tránh máy bay Mỹ bắn phá.”

Việc cứu một cái cây được tờ báo này mô tả giống như một “nhiệm vụ chính trị” khi dẫn lời ông Nam: “Chúng tôi thở phào sung sướng. Lúc đó trong tôi trào dâng niềm vinh dự, vui đến khó tả. Cứu cây trường sanh từng gắn bó với ông Hồ trong điều kiện khắc nghiệt nhất nhưng đó cũng là vinh dự nhất trong cuộc đời của tôi.”

Kinh phí cho vụ cứu cây của lãnh tụ không được các báo nói tới.

Tuy vậy, có vẻ như các bài báo về vụ cứu cây liên quan đến ông Hồ không đạt được mục tiêu tuyên truyền như mong đợi của các tòa soạn. Trên mạng xã hội, nhiều blogger chia sẻ link bài về vụ việc kèm theo bình luận: “Cứu cây thì đáng quý đấy, cơ mà ai còn nhớ hàng ngàn cây xanh không sâu mục, tuổi thọ hơn chục năm tuổi bị cắt phăm phăm trên đường phố Hà Nội vài năm trước không? Cùng là cây xanh mà hai số phận!”

Đáng lưu ý, vụ cứu cây nêu trên được các báo đăng tải trong bối cảnh báo Tiền Phong hôm 7 Tháng Giêng cho biết: “Hơn 3,500 ha hồ tiêu chết rụi khiến hàng ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông lâm vào cảnh điêu đứng. Thảm trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhà chức trách không kiểm soát và khống chế được tình trạng dân tự phát trồng quá nhiều tiêu, phá vỡ nghiêm trọng quy hoạch sản xuất. Hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3,000 ha cây hồ tiêu đang nhiễm bệnh nên khả năng diện tích tiêu bị chết sẽ còn tăng lên.”

Bài báo không đề cập chuyện giới chức nông nghiệp, lâm nghiệp ở các tỉnh có giải pháp gì giúp nông dân trồng tiêu.

Đến nay, người dân Hà Nội vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ chặt hạ hơn 6,700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở Hà Nội hồi năm 2015 và vụ chặt 1,300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng vào cuối năm 2017. Trong vụ chặt cây hồi năm 2015, chính quyền Hà Nội đã phớt lờ ý kiến phản đối của phong trào xã hội dân sự cũng như giới trí thức, nhà khoa học và chụp mũ cho những người này là “bị kẻ xấu kích động.” (T.K.)

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT