Saturday, April 20, 2024

Cựu quân nhân VNCH 20 lần về Huế làm thiện nguyện

HUẾ, Việt Nam (NV) – Vào những ngày đầu Tháng Hai Âm Lịch, chúng tôi đến Huế cùng một gia đình Việt kiều Mỹ từng là cựu sĩ quan không quân VNCH. Ông lặng lẽ và thường trở về quê quán thân yêu để phần nào thể hiện tình thần Quốc Gia, thông qua các công việc thiện nguyện thiết thực.

Tại ngôi chùa làng Trúc Lâm, xã Kim Long, thành phố Huế, ông Trần Dật và bà Ngô Lê Ái Lan cùng làm lễ chúc thọ các bô lão của ngôi làng nơi ông sinh ra. Đây không phải là lần đầu tiên ông làm nghĩa cử này, mà suốt 20 chuyến về Huế ông đều kính cẩn chúc thọ các bô lão ở chính ngôi chùa làng do gia đình ông góp công sức hồi sinh từ đống hoang tàn.

Khi đón các bô lão, có người tuổi đã ngoài 90, ông Trần Dật ngậm ngùi kể: “Năm 1945, khi Cộng Sản nửa đêm về làng bắt cha tôi đi, bỏ lại bảy đứa con thơ dại, suốt bốn năm ông bị bắt không có tin tức gì, dù cha tôi chỉ là một thầy giáo làng. Rồi một hôm anh em tôi nhìn thấy một người thân thể tàn tạ như dân ăn mày đi từ cổng nhà vào, tôi chạy vào nhà lấy gạo định đem cho, khi ông đến gần, chị cả tôi bật khóc vì biết đó là cha mình.”

“Sau này dù ở Mỹ tôi vẫn nhớ hoài cảnh đó nên mong muốn các cụ trong làng không ai phải khổ. Trước khi chết, cha tôi kêu các con lại trăng trối, rằng mình làm người tốt hay không tốt đều bị Cộng Sản ghét, nhưng đừng để họ khinh,” ông nói.

Gia đình lớn của cựu quân nhân VNCH Trần Dật cùng về cố hương làng Trúc Lâm, Huế. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Các phần quà nhỏ gồm hiện vật và hiện kim mà gia đình ông Trần Dật gởi đến các vị bô lão trong làng cũng là một cách minh chứng cho giá trị đùm bọc đồng bào cố hương trong hiện trạng suy vong của cả nên văn hóa dân tộc nói chung và cố đô Huế.

Điều mọi người cảm phục nhất là không biết sắp xếp như thế nào mà cả đại gia đình ông Trần Dật và bà Ái Lan gồm 26 thành viên từ Hoa Kỳ cùng về Huế đầu năm Mậu Tuất này.

Đại gia đình gồm con, cháu, dâu, rể với đa sắc dân cùng rộn niềm vui giữa một làng quê nghèo của Huế. Đứa cháu ngoại gái nhỏ nhất mới 7 tuổi, dù không nói được tiếng Việt, nhưng cái cách mà cháu chắp tay như một chú điệu ở chùa, cung kính trao quà cho những người mù và tàn tật ở hội Hương Vinh khiến ai cũng cảm động.

Mà thật vậy, mọi thành viên của gia đình người cựu sĩ quan không quân này không coi việc trao quà là làm ơn bố thí. Tinh thần của họ là cố chia sẻ để bù đắp phần nào đó trong khả năng của họ cho bà con khốn khó ở quê nhà, và để được điều lớn hơn luôn luôn gắn bó với quê hương.

Phu nhân ông Dật, bà Ái Lan, kể: “Gia đình lớn chúng tôi ở Mỹ không phải giàu có gì nhưng các con, mỗi tháng đều đưa cho cha mẹ ít nhất $100 để dành chia sẻ với bà con, đôi khi có việc cần nhiều tiền như dựng lại chùa làng Trúc lâm, xây nhà dưỡng lão ở chùa Diệu Viên thì các con cũng sẵn lòng đóng góp thêm. Các con rời khỏi Việt Nam năm 1975, đứa nào cũng còn bé hết nhưng được dạy là dù ly hương nhưng không lìa đất tổ, nên giờ đây chúng trưởng thành vẫn hết lòng với đồng bào.”

Niềm vui đến với người không may mắn ở Huế của con cháu ông Trần Dật. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ông Trần Dật nói thêm: “Ở Mỹ, mỗi lần họp mặt gia đình tôi luôn kể cho con cháu nghe về trường hợp qua 13 đời mà các đời sau của Hoàng Tử Lý Long Tường vẫn tìm về quê hương để các con cháu lấy làm tấm gương noi theo.”

Tháng Tư, 1975, ông Dật đưa gia đình rời Việt Nam từ Tân Sơn Nhất, lúc đó đứa con nhỏ trong số bảy người con của ông còn ẵm ngửa. Ở Mỹ, dù phải lao động vất vả để nuôi gia đình đông con, nhưng ông vẫn không bao giờ quên nghĩa vụ của một quân nhân VNCH với đồng đội không may mắn phải sống dưới chế độ Cộng Sản.

Cùng với đồng đội và cấp trên ở Hoa Kỳ, ông thành lập Hội Không Gian Thân Tình từ năm 1988 đến năm 1993 để trợ giúp các đồng đội cũ trong nước, kể cả các đồng đội sắp đi diện HO.

Người cựu quân nhân này nay đã ở tuổi ngoài 80, tin rằng chuyện phải vượt gần nửa vòng trái đất về quê, đâu ai biết còn được mấy lần nữa, nhưng ông luôn ao ước luôn có sức khỏe để được tiếp tục về, lặng lẽ làm tròn bổn phận của một cựu quân nhân và người con của Huế.

Ông nói: “Mấy năm trước, tôi cũng góp phần xây lại các phần mộ binh sĩ VNCH ở Quảng Nam. Lần này vào Sài Gòn, tôi cùng vài người quen thăm nghĩa trang quân đội Biên Hòa và đóng góp tu sửa mộ phần cho ấm hồn anh linh đồng đội, cũng như trợ giúp các thương phế binh; dù hiện tại sức khỏe yếu đi nhiều lắm nhưng tôi hy vọng mình vẫn còn có ích.” (Trần Tiến Dũng)

Mời độc giả xem chương trình “Quê Nhà Quê Người” với đề tài “Gian truân cảnh vợ tù ‘cải tạo’” (phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT