Friday, March 29, 2024

Đà Lạt đang ‘bán rẻ’ mình vì khách Trung Quốc

Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Việt

ĐÀ LẠT (NV) – Trong dịp tết Nguyên đán 2017, nhiều du khách từ Sài Gòn lên du xuân Đà Lạt đã phải dùng đến cách nói “Đà Lạt thất thủ” để kể chuyện khách bình dân Trung Quốc “đổ bộ” vào thành phố này, gây ra cảnh nhếch nhác, chen lấn, thiếu văn minh.

Đà Lạt đang và sẽ đánh mất mình nhanh hơn, vội hơn trước làn sóng du lịch bình dân đến từ Trung Quốc khi đường bay Vũ Hán – Đà Lạt hoạt động thường xuyên mỗi tuần ba chuyến?

Một giờ sáng ngày 18 Tháng Mười Hai, 2016, 229 hành khách Trung Quốc đáp xuống phi trường Liên Khương.

Lâm Đồng Online, tờ báo của đảng Cộng Sản địa phương hôm sau loan tin: “Đây là chuyến bay đầu tiên giữa Đà Lạt và Vũ Hán (Trung Quốc) được Cục Hàng Không Việt Nam (Bộ Giao Thông Vận Tải) cấp phép bay, theo đề xuất của Công Ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) với tấn suất ba chuyến/tuần, thời gian bay 3 giờ 30 phút.”

Bản tin trên cũng giải thích thêm: “Khách từ Vũ Hán đến Đà Lạt do nhiều công ty lữ hành phía Trung Quốc gom tour và giao cho các công ty có trụ sở hoặc chi nhánh tại Nha Trang đón và hướng dẫn.

Lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam theo đường cảng hàng không Cam Ranh quá đông (có đêm tới 30 chuyến), nên các công ty lữ hành vận chuyển khách qua cảng hàng không Liên Khương theo lịch trình 6 ngày 5 đêm (lưu trú ở Đà Lạt 1 đêm, ở Nha Trang 3 đêm và quay trở về Đà Lạt 1 đêm trước khi bay về Trung Quốc).”

Gần hai tháng qua, lịch trình trên cố định, Đà Lạt là điểm lưu trú qua đêm của khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán trong chương trình tour đặt trọng tâm vào Nha Trang. Tuy nhiên, chỉ hai đêm lưu trú tại Đà Lạt của khách Trung Quốc cũng đủ khiến cho những người hiểu đặc thù giá trị của Đà Lạt lo âu. Nhiều lời bình luận, ta thán, chia sẻ ưu tư trên mạng xã hội ngay từ khi thông tin đường bay trên được chính thức công bố đã nói lên điều đó.

Nhưng trên thực tế, Đà Lạt sẽ thực sự bị đe dọa bởi “chiến lược” khai thác du lịch nói trên?

Muốn trả lời câu hỏi này, phải trở về với lịch sử khai thác du lịch gắn với các giá trị Đà Lạt trong quá khứ.

Khởi sinh, Đà Lạt là một thành phố được người Pháp kiến tạo từ hình mẫu đô thị phương Tây. Cụ thể hơn, đó là một thành phố kiểu Pháp bỗng hiện ra tráng lệ trên miền núi đồi cao nguyên Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của quan chức, sĩ quan, binh lính, thương gia người Pháp. Điều kiện khí hậu ôn đới giữa xứ nóng cũng giúp người Pháp ở Đông Dương tránh được những bệnh dịch miền ở nhiệt đới và không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên ít nhiều tạo ra cảm giác gần gũi, giúp tâm trí họ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Cùng với công sở hành chính, dinh thự các quan chức, giới thượng lưu, thì biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng cũng mọc lên trong khoản từ 1920-1940 phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của người Pháp và người Việt giàu có ở vùng đồng bằng, cụ thể là Sài Gòn. Những phẩm chất giàu có (thậm chí có bề xa xỉ), lịch lãm, sang trọng, thịnh vượng về sau mà chúng ta vẫn nhắc lại như một sự tiếc nuối là được hình thành từ không gian du lịch trải nghiệm và một cấu phần quan trọng khác – đó là sinh hoạt văn hóa, giáo dục mà Đà Lạt đã từng có trước đây.

Máy bay chở đoàn du khách Trung Quốc đáp xuống phi trường Liên Khương, tối 18 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: TTXVN)
Máy bay chở đoàn du khách Trung Quốc đáp xuống phi trường Liên Khương, tối 18 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: TTXVN)

Một thời, người miền đồng bằng giàu có đã có tâm lý ưa thích đưa con cái đi học nội trú ở Đà Lạt ngoài việc bọn trẻ được thụ hưởng chương trình giáo dục khai phóng ở những trường Tây, còn là cái cớ để cuối tuần lái xe vượt núi đèo đi thăm con, tận hưởng khí hậu mát mẻ, sự tĩnh lặng và bình yên ở thành phố cao nguyên.

Những thanh niên chọn Đà Lạt làm nơi theo đuổi nghiên cứu học hành, ngoài chuyện các trường viện ở đó là nơi có đời sống nghiên cứu cởi mở, đa nguyên, tiến bộ, thì Đà Lạt cũng hấp dẫn họ bởi không gian thiên nhiên và nhân văn lý tưởng để trải qua những năm tháng thanh xuân của cuộc đời.

Trong quãng thời gian học hành, họ như những du khách dài hạn của Đà Lạt. Thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa (1954-1975), nhiều trí thức lớn của miền Nam cũng chọn gắn bó với Đà Lạt thông qua những hợp đồng cộng tác giảng huấn, để có thời gian nghỉ dưỡng, không gian tịnh mặc dành cho suy niệm, sưu khảo học thuật. Nghệ sĩ thì chọn Đà Lạt làm nơi du ngoạn, sáng tạo, trải nghiệm một đời sống khác lạ,…

Như vậy, theo đó, là cả một hệ hình phát triển đặc thù, biến Đà Lạt trở thành thành phố du lịch của giới thượng lưu và trí thức!

Cung cách bặt thiệp, khiêm cung, tao nhã và quý trọng du khách trong nếp dịch vụ du lịch ở Đà Lạt đã được hình thành từ đó. Những chụp giật, bon chen, xô bồ, lừa lọc tầm thường nhất thời lập tức bị đào thải khỏi hệ sinh thái thị trường tương đối thuần nhất. Cũng đã có những thời kỳ, (như thời thực dân và Hoàng triều cương thổ) thành phố này còn tìm cách tự “thanh lọc” mình bằng việc xây dựng những quy chế thị thực “nhập cảnh” để ngăn chặn bệnh dịch, thành phần bất hảo, chọn lọc thành phần nhập cư, giữ cho môi trường sống được trong sạch, thanh bình!

Đó là câu chuyện trước 1975.

Sau 1975, Đà Lạt vẫn là một thành phố du lịch. Nhưng khuynh hướng hoàn toàn thay đổi.

Đây không còn trội lên với tư cách một thành phố du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, một đặc khu văn hóa và giáo dục nữa vì những chính sách phát triển cào bằng, phân loại quy mô đô thị bằng các chỉ số cơ sở vật chất mà bỏ qua thước đo nền tản văn hóa và sinh hoạt tinh thần.

Chức năng đô thị trong quá khứ làm nên sắc vóc đã bị phá hủy, vùi chôn, cộng với các làn sóng nhập cư ồ ạt, sự tranh giành sở hữu nhà cửa, bất động sản của nhóm nắm quyền, Đà Lạt đã bị phá nát từng ngày, kháng thể văn hóa thành phố không còn đủ để có thể tự “thanh lọc” mình như một đô thị “tự trị” và thuần nhất nữa.

Khách sạn bình dân, dịch vụ du lịch rẻ tiền mọc lên khắp nơi phục vụ cho nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của đại chúng. Không phải đến bây giờ, cung cách làm dịch vụ du lịch của người Đà Lạt mới có biến chuyển mạnh và “mất gốc,” mà ngay từ thời bao cấp, đổi mới (từ 1986) đã có nhiều dấu hiệu manh mún, lộn xộn, xô bồ, bừa bãi.

Nét thanh lịch xưa cũ nhỏ nhẹ lịch duyệt, hướng đến sự thanh cao, phẩm tính văn hóa… phai nhạt đi, thay vào đó là một kiểu làm ăn hướng đến số đông, những tính toán đoản hạn, chộn rộn, thiếu bền vững.

Một góc đường hoa ở trung tâm thành phố Đà Lạt. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Một góc đường hoa ở trung tâm thành phố Đà Lạt. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Cùng với sự đi xuống của môi trường nhân văn là sự sa sút và khủng hoảng của môi trường tài nguyên thiên nhiên.

Đà Lạt đông, ồn, chật, phẳng, nóng. Và rẻ. Tất cả các yếu tố đó đã góp phần “dọn đường” cho những xu hướng du lịch bình dân Trung Quốc, mà chúng ta thấy, chuyến bay Vũ Hán – Đà Lạt là một dẫn chứng tàn nhẫn và kinh khủng. Cách làm du lịch trong dân cũng thay đổi theo chiều hướng xấu. Mỗi mùa lễ tết, người Đà Lạt làm dịch vụ lưu trú tha hồ “chém đẹp” khách thập phương. Cần nhớ lại khoảng giữa năm 2016, nhà hàng Thanh Thủy tại bờ Hồ Xuân Hương đã có chuyện nhân viên nhà hàng này niềm nở với khách Trung Quốc nhưng thiếu ân cần với khách Việt Nam!

Giấc mộng phồn hoa trở về làng xã khi những kẻ nắm quyền tư duy hẹp hòi, tư lợi, thiếu tầm nhìn phát triển. Sự đeo đuổi khuynh hướng du lịch “đếm tiền lẻ” từ hơn 40 năm nay là sự chuẩn bị hợp lý để cái ngày thành phố hoa đào đón làn sóng du lịch bình dân Trung Quốc hôm nay âu là chuyện nhân quả dễ hiểu!

Nhưng là một thành phố sang trọng và tươi đẹp, Đà Lạt ngày càng cho thấy sự liệt kháng và đánh mất giá trị của mình, một khi tư duy những người tạo ra chiến lược tổng thể về phát triển mang tư duy tiểu nông, chậm tiến. Du lịch chỉ là một mảnh nhỏ trong cấu phần suy thoái đó.

Sự đọa đày thương tổn sẽ còn diễn ra trên từng phần cơ thể Đà Lạt, như Nha Trang, như Đà Nẵng hay Sapa đã từng, một khi những người nắm quyền ở thành phố này đánh mất, coi rẻ chính những giá trị sang cả của đô thị đã từng có trong quá khứ!

Mỗi tuần, hãng bay giá rẻ Vietjet Air sẽ đưa trên 600 khách đến Đà Lạt. Họ sẽ đi du ngoạn, ăn hải sản và vùng vẫy càn quét ở các bờ Nha Trang, ba ngày đêm và đi dạo, tiêu xài, xả rác, chen lấn và hít thở khí trời Đà Lạt hai đêm. Không kỳ thị hay phân biệt, nhưng tập tính du lịch bình dân Trung Quốc thì cả thế giới hôm nay đâu còn lạ gì. Cũng đã quá nhiều dẫn chứng “đau thương” xảy ra ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long và nhiều nơi khác trên toàn cầu để giúp ta nhận diện rõ những ảnh hưởng mà nhóm khách này tạo ra cho nơi chốn mà họ “đổ bộ có chiến lược.”

Nhưng cũng nhìn vào cái cách lãnh đạo Đà Lạt cử người ra xếp hàng tiếp đón những vị khách Trung Quốc trong đêm khuya giá rét vào đêm 18 tháng 12 năm 2016, có thể nhận thấy rằng, họ hoan hỉ và xác tín biết bao về chiến lược quyết tâm biến Đà Lạt thành thành phố du lịch bình dân và bình dân bằng mọi giá.

Sắc vóc hay phẩm giá sang cả của một đô thị thuở vàng son xa lắc là chuyện… ai hiểu thì nấy đau!

MỚI CẬP NHẬT