Thursday, March 28, 2024

Đà Lạt và ‘bánh mì đề thơ’

Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

ĐÀ LẠT, Việt Nam (NV) – Những người trẻ tuổi muốn đi tìm một thứ gì đó đang thất lạc giữa phố phường, họ muốn những chuyến đi với những tour du lịch lên rừng xuống biển với nhiều biểu giá “sale of” khác nhau, nghèo có giàu có, cao sang có thấp hèn có, và hơn tất cả là muốn nhìn thấy đất nước xinh đẹp của mình với một túi tiền vừa phải?

Trong tất cả những địa chỉ cần đến thì Đà Lạt như là một “thánh đường của hoa cỏ,” nó không khác gì món quà Trời cho khi chỉ cách Sài Gòn một tiếng đồng hồ đường chim bay, 7 tiếng cho một lần xe bus hạng sang, ngủ một giấc đã thấy đồi núi mơ màng.

Đà Lạt cho người ta cảm giác như đang trở về nhà, một nơi chốn ấm áp trong mưa, một chỗ đến hoang vu nhưng không đơn độc, một không gian mát rượi trong lành đang chuẩn bị lấm bụi trần, bởi con người đang ngày càng đông hơn…

Nhưng có hề gì khi núi rừng vẫn còn nhiều, dù rằng nó bị đang tàn phá ngày đêm để dành đất cho xây dựng, nhà cửa đang mọc lên như nấm sau mưa. Đà Lạt đang bị bê tông hóa từng ngày, khu vực ngoại ô đang phải chạy dài vào trong sâu thẳm.

Ổ bánh mì với bao bì là một bài thơ. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Nhưng dù có đi đâu chơi đâu thì cuối cùng người ta vẫn phải trở về phố thị, cũng vẫn cần chen chúc nhau mà vui sống để được vui vẻ và quan trong hơn được chụp hình “selfie” mà phông nền là một bức tường vàng rực.

Nằm ngay trung tâm Đà Lạt, ngay trước Café Tùng trứ danh, đó là một hiệu bánh mì của một nhóm bạn trẻ, xuất hiện từ khi nào không biết chỉ thấy một sáng mù sương nó lù lù xuất hiện với một màu vàng chói chang, được “PR” bằng một bức tranh mà ý nghĩa thì hình như chỉ có họ mới biết.

Và quan trọng hơn họ dùng nó để chiêu dụ một món ẩm thực quen thuộc đó là bánh mì chả lụa paté xúc xích với đủ mọi thứ thập cẩm mặn ngọt chua cay mà trên đời có được. Nó có tên là “Cối Xay Gió” và không biết nó có liên hệ gì với cuốn tiểu thuyết Don Quixote vĩ đại của Cervantes đó không.

Nhưng cái bao bì [được chứng nhận đạt chuẩn của Hoa Kỳ FDA] để chứa đựng cả thế giới ẩm thực trong đó lại là một bài thơ con cóc không có tên tác giả. Bài thơ không khó hiểu trừu tượng, không ngôn tình ấm ớ, nó vừa dài đúng như một… ổ bánh mì và trước cắn gặm xực một miếng bạn phải thưởng thức bài thơ như một lời giới thiệu nồng nàn.

Một góc nhìn từ ban công xuống tiệm bánh mì “Cối Xay Gió.” (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Người ta nói đường đến tình yêu phải qua cái bao tử và ở đây bánh mì như một minh chứng không thể thiếu cho những người yêu nhau khi rủ nhau đến Đà Lạt, cao hơn một chút khi sau khi đã no say hết những vị ngon của nó bạn sẽ không muốn rời đi.

Bạn sẽ bị quyến dụ bởi bức tường, như một hậu cảnh độc đáo, một “backgound” vàng rực mà nếu đứng vào đó bạn sẽ có ngay một bức hình không có nơi nào bằng, nó như một phối cảnh đơn điệu cô đơn giữa phố phường huyên náo.

Hóa ra mọi thứ đều trở nên vô vị, nhưng cuộc rong chơi đều nhàm nhạt nếu không có sự sáng tạo của những bạn trẻ khởi nghiệp làm ăn bằng xe bánh mì này. Nó khiến cho Đà Lạt trở nên ý nghĩa hơn khi bạn đã đến nơi này.

Một ổ bánh mì thơm ngon, một bài thơ cho một tình yêu, một chuyến đi cho một ước mơ giản dị đơn sơ không cao sang chảnh chọe, chỉ với vài trăm ngàn cho một cuộc lãng du để tay trong tay tung tăng khắp phố trong một chiều mưa, một sáng nắng. Bạn còn muốn gì hơn…? (Nguyễn Sài Gòn)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT