Saturday, April 20, 2024

Đá lát vỉa hè ở Hà Nội ‘bền 70 năm,’ mới 3 năm sử dụng đã nứt vỡ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đá lát vỉa hè trên nhiều con đường ở thành phố Hà Nội được cho rằng “có độ bền 70 năm,” nhưng mới đưa vào sử dụng hai năm đã nứt vỡ hư hỏng, gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Từ năm 2016, thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về “cải tạo hè phố,” theo đó đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch sang “đá tự nhiên có kết cấu bền vững.”

Vỉa hè ở quận Thanh Xuân hư hỏng, bong tróc sau gần ba năm sử dụng, sáng 17 Tháng Mười Một. (Hình: Phạm Tuấn/Tuổi Trẻ)

Thế nhưng theo báo VNExpress, gần đây vỉa hè của nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã xuống cấp dù mới được chỉnh trang, lát đá. Cụ thể như đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Chiểu…

Trong đó, dự án “cải tạo vỉa hè” đường Nguyễn Trãi đoạn từ Cầu Mới, Ngã Tư Sở đến ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến làm hồi năm 2017. Vỉa hè được bó, lát bằng đá xanh tự nhiên, có kết cấu “bền vững bảo đảm sử dụng từ 50 đến 70 năm,” mặt vỉa hè lát đá kích thước 40×40 cm, độ dày đá 4 cm, bề mặt nhám chống trơn trượt.

Sau ba năm, đến nay nhiều đoạn trên tuyến đường này có bề mặt vỉa hè bị bong tróc từng mảng lớn, cách vài chục mét lại có một điểm lún nứt, đá bó vỉa cũng bị rạn nứt.

Song, đoạn vỉa hè bị xuống cấp nặng nhất là ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, bề rộng hơn 10 mét, nhiều điểm đá bị lật tung để lộ lớp vữa bở vụn. Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm trong ngày do nhiều nơi trên vỉa hè biến thành chỗ đậu xe hơi, buộc người đi xe gắn máy lao lên vỉa hè để chạy.

“Vỉa hè lúc vừa làm xong nhìn sạch sẽ nhưng đơn vị thi công không rào lại, xe cộ đi lên, nhiều viên đá bị nứt sau chưa đầy một tháng,” bà Lê Thị Lư (67 tuổi), bán hàng nước trên đường Khuất Duy Tiến, nói.

Ông Trần Thành Thông (65 tuổi, ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) cho rằng nguyên nhân vỉa hè đá xanh bị xuống cấp là do đơn vị thi công đã không gia cố nền chắc chắn.

Báo Lao Động cho biết thêm, tại phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) nơi có điểm giữ xe tạm thời, nhiều vị trí lát đá chưa hoàn thiện, có chỗ vừa lát xong thì hàng loạt xe hơi đã lao lên dừng đỗ, khiến người dân bất bình.

Vừa đi vừa tránh xe hơi đang lùi lên vỉa hè mới lát đá xong, bà Bùi Thị Xuân (ở phường Thành Công, quận Đống Đa) bực tức nói: “Muốn vỉa hè không hư thì ngoài việc bảo đảm phẩm chất vật liệu, thi công, chính quyền cần phải xử phạt thật nghiêm các tài xế lái xe hơi lên vỉa hè.”

Một điểm đá vỉa hè bị vỡ nát trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. (Hình: Tất Định/VNExpress)

Mặc dù tình trạng vỉa hè mới lát đá đã xuống cấp nhiều nơi, nhưng ông Hoàng Ngọc Thắng, phó Chi Cục Giám Định Xây Dựng Hà Nội, Sở Xây Dựng Hà Hội, cho rằng qua kiểm tra 21 dự án “cơ bản các quận bảo đảm triển khai kế hoạch lát đá vỉa hè.”

Nói về đá có độ bền 70 năm nhưng nhanh hư hỏng, ông Thắng cho biết “chất lượng của công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phẩm chất đá, việc thi công và quá trình sử dụng.”

“Trong quá trình vận hành vỉa hè, địa phương không quản lý được. Ví dụ rất nhiều điểm cho thuê, đỗ xe hơi ngang vỉa hè, như vậy không đá nào chịu được. Do đó, trách nhiệm khi đưa vào sử dụng và quản lý thuộc về phường và quận,” ông Thắng né trách nhiệm nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, phó chi cục trưởng Chi Cục Giám Định Công Trình Xây Dựng Hà Nội, cho rằng loại đá marble phải kiểm tra tại nơi sản xuất, nơi khai thác bởi thực tế hiện nay, có tình trạng một số cơ sở khai thác đá sử dụng phương pháp nổ mìn dẫn đến đá lát bị om, rạn nứt ngay từ khi gia công, chế tạo. Do đó, các đơn vị phải kiểm tra ngay từ vật liệu đầu vào, xuất xứ đá.

“Để đá lát vỉa hè vỡ thì chính quận ê mặt, xấu hổ, chúng tôi cũng sốt ruột,” ông Huy lấp liếm nói.

Cứ đến cuối năm là các quận, huyện ở Hà Nội thi nhau lát vỉa hè. (Hình: Lê Phú/Lao Động)

Kiến Trúc Sư Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị Việt Nam, nhận định thời gian gần đây việc lát đá vỉa hè ở Việt Nam còn nhiều tồn tại do cứ gần Tết thì các dự án được đưa ra thi công để cố sử dụng hết tiền ngân sách trong năm đã được phê duyệt dù thực sự không cần thiết. Trong lúc thi công lại “không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật; nhân công làm việc không có tay nghề.”

Theo ông Nghiêm, để bảo đảm phẩm chất lát đá vỉa hè thì “quan trọng nhất là khâu giám sát thi công.” Chủ đầu tư và nhà thầu “không được làm ẩu, làm vội, làm đến đâu chắc chắn đến đó sẽ đảm bảo được tuổi thọ của đá lát vỉa hè.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT