Thursday, April 18, 2024

Đại biểu Quốc Hội CSVN đề xuất ‘tổng rà soát bằng cấp quan chức đảng viên’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trang tin tức của đài truyền hình VTC1 cho hay ông Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội CSVN, nói “cần tổng rà soát bằng cấp của cán bộ, đảng viên.”

Hành động này diễn ra sau ít nhất hai vụ ồn ào gần đây liên quan đến tấm bằng của Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Bí Thư Tỉnh Ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển.

Fanpage của VTC1 trên Facebook viết: “Tình trạng cán bộ cấp cao kê khai bằng cấp thiếu trung thực, sử dụng bằng cấp giả để làm bàn đạp thăng tiến đang nổi lên như một vấn nạn nghiêm trọng, không chỉ là sự thiếu trung thực, mà là mối nguy hại đối với cả hệ thống. Theo đề nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng, người vừa chuyển đơn tố giác của cử tri về việc bí thư Hải Dương sử dụng bằng cấp giả đến Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương thì đã đến lúc cần phải có cuộc tổng rà soát lại hệ thống văn bằng chứng chỉ của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với những cán bộ cấp cao bị tố giác.”

Nhà báo Đào Trung Thành bình luận: “Năm 2009, chiến lược cán bộ, công chức của Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ do Thành Ủy quản lý (vị trí giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương; cấp trưởng, phó các doanh nghiệp Nhà Nước, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân quận, huyện, thị xã) đạt trình độ tiến sĩ vào năm 2020. Sau đó bị dư luận cười cợt và phản đối nên Hà nội đã bỏ chỉ tiêu này. Tuy nhiên, nó cho thấy não trạng phổ biến của nhiều lãnh đạo đảng về trình độ của cán bộ.”

Nhà báo này phân tích: “[Việc] đòi cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp có bằng tiến sĩ rất buồn cười và không đúng về mặt tổ chức và quy chuẩn lãnh đạo. Các tố chất, tiêu chuẩn để trở thành lãnh đạo đa số là những kỹ năng mềm mà một người bình thường cần thành công trong cuộc sống chiếm đến 85% so với kỹ năng cứng là chuyên môn của người đó, chỉ 15%. Và ở mức độ lãnh đạo, thiết nghĩ tỷ lệ kỹ năng mềm còn cao hơn… Tuy nhiên, vì tiêu chuẩn như thế nên để được đề bạt, nhiều bác đã phải cố gắng xoay sở học vị tiến sĩ bằng mọi giá, bằng giả có, bằng thật nhưng học giả cũng có. Nói chung kiếm bằng cho đủ chuẩn thay vì kiếm kiến thức. Và nó sinh ra rất nhiều hệ lụy khác. Tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ làm lãnh đạo của ta chắc phải cao nhất nhì thế giới và nội các của Việt Nam nếu so bằng cấp có lẽ là hoành tráng nhất thế giới!”

“Bằng giả hay bằng thật, học giả của quan chức Việt là chuyện dài, hài hước nhiều tập cho nên cũng chả có gì ầm ĩ. Vụ Nguyễn Xuân Anh tự nhiên bị báo chí phanh phui. Mọi người am hiểu đều biết rằng, quy trình đề bạt cán bộ qua nhiều tầng lớp và khá phức tạp. Một người thuộc diện Bộ Chính trị quản lý còn được thẩm tra kỹ lưỡng hơn. Qua biết bao nhiêu vòng tổ chức, thẩm tra, an ninh chính trị nội bộ mà đến bây giờ mới phát hiện Xuân Anh dùng bằng ‘không đúng quy định’ thì rất ngạc nhiên,” theo Facebook của ông Thành.

Blogger Tuấn Trần cho hay: “Việt Nam bây giờ đụng đến bất kỳ vấn đề gì cũng đều nát như tương cả… Có quá nhiều người sử dụng bằng cấp giả giúp tiến thân và có được nhiều vị trí chủ chốt. Đây thực sự là một bất công rất lớn cho những người học thật nhưng ‘thiếu nhanh nhạy’ hay không hiểu (hoặc không chịu hiểu) thời cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hệ thống chính quyền hoạt động thiểu hiệu quà và lãng phí đáng kể nguồn lực.”

Ông viết thêm: “Dù cả nước có đến 30,000 người có bằng tiến sĩ, khoảng 150,000 người có bằng thạc sĩ, và hơn 3 triệu người tốt nghiệp đại học nhưng phần đông quan chức địa phương đều đi lên từ các phong trào đoàn, phong trào hợp tác xã và có bằng cấp chuyên tu, tại chức. Di chứng thời chiến cũng như tư duy lúa nước vẫn còn ngự trị trong não bộ của nhiều lãnh đạo khi sử dụng con người dựa trên các tiêu chí ‘trưởng thành từ cơ sở,’ ‘kinh nghiệm thực tiễn’ hoặc cái gọi là ‘học thông qua làm việc.’”

“Có lẽ nhiều người quên mất một điểm cốt yếu đó là trong thời bình và đặc biệt là thời đại Internet, một người sẽ khó có thể có được những thứ mang tính tầm nhìn hay chiến lược nếu thiếu đi nền tảng cơ bản về học thức.”

Và rằng, “mọi cải cách chỉ cần hướng tới việc đặt mọi người vào đúng chỗ mà họ nên đứng, tự khắc đất nước này sẽ phú cường. Nhiều người thấu rồi, nhưng ai chịu hiểu!”

Cũng đề cập về vấn đề này, Luật Sư Trần Vũ Hải viết: “Phong trào thẩm định lại bằng cấp của những quan chức cao cấp đã được khởi động sau vụ các bằng thạc sĩ, tiến sĩ Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh bị chê ‘không đúng quy định’. Theo nhiều nguồn tin, nhiều quan Việt cấp to có bằng nước ngoài nhưng chỉ biết nói tiếng Kinh! Thật đúng là Kinh (hay King?).” (T.K)

Chính quyền Phú Quốc bất lực với nạn chiếm rừng và phá núi

MỚI CẬP NHẬT