Thursday, March 28, 2024

‘Đại án’ Ocean Bank: Hai cựu lãnh đạo bị tuyên tử hình và chung thân

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 29 Tháng Chín, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội quyết định giữ mức đề nghị án trước đó khi tuyên tử hình ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank), và án chung thân cho ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng này.

Ông Sơn bị buộc ba tội: “Cố ý làm trái; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản” cũng như phải bồi thường khoảng 200 tỷ đồng ($8.8 triệu), theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Thắm bị buộc bốn tội: “Cố ý làm trái; vi phạm quy định về cho vay; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản” và phải bồi thường 847 tỷ đồng ($37.27 triệu).

Báo Tuổi Trẻ cho hay, tòa “kiến nghị điều tra việc chỉ đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) gửi tiền vào Ocean Bank khiến tập đoàn này mất trắng 800 tỷ đồng ($35.2 triệu).”

Các bài tường thuật kết quả phiên tòa trên báo chí Việt Nam đều không thấy đề cập đến tên và vai trò của ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Petro Vietnam, cựu ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn, hiện là phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương.

Sau khi bản án được tuyên, mạng xã hội lập tức dấy lên nhiều luồng tranh luận, nhất là trong giới hành nghề luật.

Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận: “Sai lầm pháp lý dẫn đến án tử hình (ông Sơn) thiếu thuyết phục. Một bản án tử hình quá khắc nghiệt, theo tôi là sai lầm về pháp lý, nhưng có lẽ không được thi hành vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những sai lầm pháp lý nghiêm trọng nhất là, một hành vi được coi là chiếm đoạt, nhưng bị truy cứu và xử thành hai tội danh khác nhau. Đó là cáo buộc ông Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 245 tỷ đồng của Ocean Bank, nhưng do Petro Vietnam chiếm 20% vốn Ocean Bank và ông Sơn có chức vụ tại tập đoàn nên được coi tham ô 20% số tiền này (49 tỷ đồng, tức $2.15 triệu) còn số còn lại bị quy vào lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Đây là sai lầm pháp lý thô thiển cả dưới góc độ pháp luật dân sự lẫn hình sự và Luật Doanh Nghiệp! Nếu đây thành tiền lệ, thậm chí án lệ, luật pháp Việt Nam sẽ rối ren cho các nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp và cho cả hệ thống tư pháp!”

Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ocean Bank. (Hình: Báo điện tử Zing)

Ông Hirota Fushihara, đại diện Công Ty Tư Vấn UIVN (URYU&ITOGA Việt Nam), người tự nhận là “một người Nhật có duyên nợ với pháp luật Việt Nam,” viết trên Facebook: “Một kết luận khó có thể dễ hiểu. Chi lãi ngoài chỉ là sự xung đột giữa chính sách nhà nước với như cầu thị trường và tự do kinh doanh, là thế giới nằm trên một khu vực mơ hồ trong ranh giới giữa quy phạm pháp lý bất buộc với quy phạm pháp lý tùy nghi. Đặc biệt Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cũng chỉ quy định về việc phạt vi phạt hành chính đối với việc chi lãi ngoài.”

“Với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chúng ta nên cần xem xét một cách nghiêm túc về việc có thể áp dụng các tội này với hành vi của các bị cáo hay không? Theo tôi, về tổng thể, nếu chỉ là lý do vì chi lãi ngoài thì các tội danh trên được áp dụng cho các bị cáo có khả năng là thiếu cơ sở pháp lý. Tôi không bàn về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà tòa áp dụng trong tuyên án. Nhưng nếu chỉ về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì mức án cho bị cáo sẽ không bao giờ được cao như vậy. Không có phát luật thì không có hình phạt. Tòa án có nghĩa vụ sử dụng khả năng năng lực giải thích pháp lý của mình để cho mọi người dễ hiểu. Trừ khi tôi là người chậm hiểu,” ông viết thêm.

Blogger Tuấn Anh Vũ dẫn link bài về các bản án nêu trên và bình luận trên Facebook: “Nghề làm sếp ngân hàng ở Việt Nam là một trong các nghề siêu nguy hiểm. Ngân Hàng Nhà Nước ép thanh khoản trong lúc ngân hàng thương mại nào mà chẳng khó về thanh khoản. Thanh khoản không có, lãi suất thị trường liên ngân hàng mình nhớ có lúc lên đến 40% mà không vay được thì ngân hàng nào chẳng trả lãi ngoài để kéo dài sự sống thay vì chết ngay tắp lự vì không có tiền mặt. Ngân Hàng Nhà Nước thì không làm nổi nhiệm vụ của mình là nơi đảm bảo thanh khoản cuối cùng cho cả hệ thống. Mình thấy các sếp ngân hàng có tội 50%, phần còn lại cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Tử hình có hơi quá bất nhẫn?!”

Blogger Thiên Lương cho hay: “Nhìn án của các anh mà buồn, dù rất đích đáng, nhưng phải nói là nghiêm khắc! Tự thấy mình không sai khi từng bỏ một vị trí rất cao trong một doanh nghiệp nhà nước rất dễ kiếm tiền. Thực ra thì làm quản lý trong doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là đi theo dây, dây còn chắc thì mình còn ngon, dây mà đứt thì chết thôi. Mà dây to dễ ăn thì cái nào cũng vắt lên tận nóc mới khổ. Biết đủ thì không tù được đâu, chết là vì tham mà thôi. Chẳng trách ai được! Nhất là gặp cái lúc cái lò tôn đang nóng hừng hực thế này thì dây nào cũng đứt!”

Một ngày trước khi bản án được tuyên, người ta thấy Luật Sư Nguyễn Minh Tâm, người bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn viết trên mạng xã hội: “Cộng nghiệp là nghiệp chung của cộng đồng người. Trong cái nghiệp chung đó lại có nghiệp riêng của mỗi người gọi là biệt nghiệp. Nhìn vào vụ án Ocean Bank sẽ thấy rõ điều đó. Sự sám hối của các bị cáo trong vụ án này qua lời nói cuối cùng sẽ là một phương tiện để giải nghiệp cho họ. Nam mô a di đà Phật!” (T.K)

Mời độc giả xem phỏng vấn “Cô gái gốc Việt chế cải lương dạy Việt ngữ trên Youtube hơn 2 triệu người xem”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT