Thursday, April 18, 2024

Dân Kon Tum dùng bẫy chông nhọn để chống trộm sâm Ngọc Linh

KON TUM, Việt Nam (NV) – Trước tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh gia tăng và chính quyền không có biện pháp nào can thiệp, các chủ vườn tại Kon Tum phải đặt bẫy chông nhọn hoắc để chống trộm.

Trên các diễn đàn mạng, sâm Ngọc Linh được cho là loại sâm quý giá của Việt Nam, có tác dụng không thua kém sâm Nam Hàn, nên thường được bán với giá cao.

Những cây chông cắm nhọn hoắc ở vườn sâm Ngọc Linh. (Hình: Trần Hóa/VNExpress)

Theo trang web Đông Y Việt Nam hồi Tháng Tám, 2020, sâm tươi Ngọc Linh được bán với giá 50 đến hơn 200 triệu đồng ($2,142 – 8,568)/kilogram.

Theo ghi nhận của báo VNExpress hôm 3 Tháng Giêng, tại một vườn sâm của Công Ty Cổ Phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nằm trên đỉnh núi Ngọc Linh, mỗi cây chông dài khoảng 40 cm, được vót nhọn hoắt hai đầu, cắm tua tủa trên đất. Khu vườn này có vài bẫy chông đặt ở dưới hố, trên mặt được ngụy trang bằng lá cây. Bẫy chông được cho là “không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng khiến kẻ trộm khiếp sợ, không dám bén mảng vào vườn sâm.”

“Nếu giẫm trúng, kẻ xấu bị thương ở chân không thể đi xa, chúng tôi dễ dàng bắt giữ,” ông A Văn, 30 tuổi, ở xã Măng Ri, cho biết.

Việc đặt bẫy chông được tiến hành sau khi các vườn sâm lân cận trong khu vực bị trộm cả trăm gốc, thiệt hại hàng tỷ đồng, vào ba năm trước.

VNExpress cũng cho hay, ngoài bẫy chông, nhiều vườn sâm còn đặt thêm bẫy bắt thú rừng. Bẫy làm bằng cây nứa vót nhọn, một cành cây dài khoảng 2 mét và ít dây rừng. Cành cây được buộc chặt uốn cong tạo lực và dùng dây giăng trên lối đi. Con vật đi qua, vướng dây thì lập tức cây nứa vót nhọn bay như tên bắn ra.

Trước việc các chủ vườn sâm Ngọc Linh tự ý đặt bẫy chông, tờ báo dẫn ý kiến của ông Nguyễn Bá Thành, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Măng Ri: “Từ khi người dân tham gia chăm sóc vườn sâm, trên địa bàn chưa từng xảy ra vụ trộm sâm Ngọc Linh, vì người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt. Kẻ trộm cũng sợ hãi trước những bẫy chông đặt khắp vườn. Tuy nhiên, chính quyền cũng tuyên truyền người dân hạn chế dùng những cái bẫy nguy hiểm đến tính mạng.”

Nông dân chăm sóc sâm Ngọc Linh. (Hình: Trần Hóa/VNExpress)

Bên dưới bài báo, độc giả Duc Anh Duong để lại phản hồi: “Nên áp dụng công nghệ. Giờ lắp đèn cảm biến có người tự phát sáng. Trộm vào chỗ nào sáng đèn phát hiện ra ngay đỡ phải chông gai. Thích thì đầu tư thêm hệ thống camera với loa cảnh báo nữa.”

Theo Wikipedia, bẫy chông là một trong những vũ khí tự chế của du kích Việt Cộng dùng thời Chiến tranh Việt Nam. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT