Friday, March 29, 2024

Dân sống lạc hậu suốt 30 năm, xã vẫn đạt ‘nông thôn mới’

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Sau ba năm “về đích nông thôn mới,” nhưng hàng chục nhà dân ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A của xã Trường Long, huyện Phong Điền, vẫn đang phải sống cảnh “ba không” là không điện, không đường đi, không nước sạch, như hồi 30 năm trước.

Hôm 17 Tháng Năm, để vào được ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A dài gần 3 cây số ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nơi gần 30 nhà dân đang sống cảnh “ba không,” phóng viên báo Lao Động phải đi bộ men theo con đường đất dọc rạch Rau Mui và rồi phải đành thuê người dân dùng ghe chở vào, do đi được nửa đường thì không thể tiếp tục vì lối đi quá hẹp, cây cối um tùm chắn ngang. Trong nhiều năm qua, tuyến rạch này không có đường đi, người dân chỉ đi tạm trên phần đất vườn của các nhà dân.

Ông Trung Ký Đạt (trú ấp Trường Ninh) cho biết: “Năm 1996, gia đình tôi được cha mẹ cho phần đất cất nhà sinh sống. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống như ở cồn hay cù lao, đi lại bằng ghe, xuồng, vì không có đường đi.”

Ông Võ Thành Sang (70 tuổi) buồn bã nói về tình hình đời sống: “Khổ lắm! Tôi ở đây từ năm 1979 mà đang phải sống cảnh ‘ba không.’ Dùng đèn dầu mãi rồi, hai năm trước, tui phải sắm cái bình ắc quy này để thắp sáng. Có khi hết điện chưa đi sạc kịp lại phải đưa đèn dầu ra mà dùng.”

Nói về nước tiêu dùng, ông Sang cho hay hằng ngày, gia đình phải hứng nước mưa tích trữ. Hết nước mưa thì phải múc nước kênh đục ngầu lên lắng lọc để dùng.

Ông Võ Thành Sang bên chiếc bình ắc quy vừa sắm để cải tiến thay vì đã dùng đèn dầu 30 năm nay. (Hình: Lao Động)

Liền bên cạnh là nhà bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi) cũng sống trong tình cảnh tương tự. Bà Chín cho biết, gia đình bà đã sống ở đây từ năm 1994. Đất nhà đã có “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ lâu.

Nói với báo Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống 30 năm ở tuyến rạch Rau Mui. Là người dân của huyện nông thôn mới, của thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng chưa cơ quan nào giải quyết”.

Quá khổ, cuối năm ngoái, bà phải “cải tiến” mua cái bình ắc quy về thắp sáng cho con học bài. Còn việc xem ti vi, nghe đài là xa vời, thành ra cứ mù tịt thông tin.

Bà cũng cho hay: “Do không có tiền khoan cây nước, gia đình tôi canh những khi nước lớn để xách nước từ rạch lên lóng phèn sử dụng, kể cả nấu ăn và uống hằng ngày. Mặc dù biết nguồn nước dưới rạch Rau Mui không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác thay thế.”

Ở đây, cũng có một số gia đình khá giả đầu tư kéo “điện câu đuôi” về sử dụng. Ông Đặng Văn Bảy nói: “Năm 2017, tôi mua dây điện để kéo điện ‘câu đuôi’ từ rạch Trà Ếch về đến rạch Rau Mui để tiêu dùng. Tuy nhiên, do đường điện quá xa nên điện năng hao hụt nhiều, vào giờ cao điểm là nguồn điện ‘chập chờn’ làm nhiều thiết bị điện bị hư hỏng.”

Nhiều nhà dân khác ở ấp Trường Ninh này, và ở bên kia rạch Rau Mui là ấp Trường Ninh A cũng chung tình cảnh tương tự. Họ cho biết, đã nhiều cuộc họp, “tiếp xúc cử tri,” đều có ý kiến. Sau đó, chính quyền cũng đã từng khảo sát và hứa chậm nhất đến cuối năm 2017 là có điện. Thế nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Nói về chuyện “ba không,” ông Lê Văn Ảnh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Trường Long, thừa nhận, đúng là xã đã “về đích nông thôn mới” từ năm 2016. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn hàng chục nhà dân của ấp Trường Ninh và Trường Ninh A đang phải sống cảnh “ba không.” Rất nhiều cuộc họp, người dân đều có ý kiến, kiến nghị lên chính quyền, lãnh đạo các cấp.

Ông Ảnh cho biết, lãnh đạo huyện đã hứa chậm nhất là Tháng Mười Hai, 2017, sẽ có điện cho dân. Song, đến nay vẫn chưa thực hiện được do đang phải chờ nguồn vốn từ trung ương và chủ đầu tư là Sở Công Thương Cần Thơ.

“Điện là cái cần thiết nhất, phải ưu tiên trước. Sau khi có điện rồi sẽ tính tiếp đến nước, đến đường đi. Khi có điện rồi, trước hết, dân có thể dùng tạm giếng khoan, sau đó tính đến nước sạch và đường đi,” ông nói.

Trả lời về việc tại sao dân đang sống cảnh “ba không” mà vẫn được chấm “về đích nông thôn mới” từ ba năm trước, ông Ảnh nói: “Cái đó thì vẫn bảo đảm. Bởi trên đã biết chuyện này từ lâu rồi, không ảnh hưởng gì lắm đến chỉ tiêu về đích.”

Còn ông Hoàng Chí Thanh, chánh văn phòng ủy ban huyện Phong Điền, cho biết: “Do ở xã Trường Long chỉ còn ít nhà dân chưa có điện nên ngành điện lực họ đang tính toán đến hiệu quả kinh tế khi đầu tư, kéo đường điện. Còn về vấn đề xã hội thì huyện đang bàn, đang tính kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn nên cũng chưa thể trong ‘một sớm, một chiều’ mà làm được. Huyện sẽ cố gắng để triển khai được trong năm 2018 này.”

Ông Thanh cũng cho hay, huyện Phong Điền đã đạt “nông thôn mới” từ năm 2015. Với câu hỏi, tại sao nhiều nhà dân xã Trường Long sống cảnh “ba không” mà xã và huyện vẫn đạt “nông thôn mới” được thì ông Thanh từ chối trả lời… (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

 

MỚI CẬP NHẬT