Thursday, March 28, 2024

Dân Việt è cổ gánh cùng lúc phí BOT và phí bảo trì đường bộ

HÀ NỘI (NV) – Mỗi năm, người dân Việt Nam đóng phí bảo trì đường bộ gần 6,000 tỉ đồng. Song, dù đã đóng phí này nhưng người dân vẫn gánh thêm phí BOT ở nhiều tuyến đường.

Các trạm BOT (Build-Operate-Transfer, xây dựng-vận hành-chuyển giao) đang được lập ra ở nhiều tuyến đường ở khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc của Việt Nam.

Ngày 27 Tháng Chín, báo Người Lao Động dẫn phúc trình của ông Lê Hoàng Minh, chánh Văn Phòng Quỹ Bảo Trì Đường Bộ (BTĐB) trung ương, tại hội nghị tổ chức tại Hà Nội vào sáng 26 Tháng Chín, cho biết, kết quả sau 5 năm hoạt động tổng nguồn Quỹ BTĐB đạt con số khổng lồ, hơn 43,450 tỉ đồng, trong đó nguồn thu trong dân đạt gần 6,000 tỉ đồng/năm.

Theo đó, Quỹ BTĐB được thành lập năm 2013, nguồn tài chính hình thành từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe hơi và ngân sách nhà nước cấp. Trung bình mỗi năm thu từ 4,924 tỉ đến 6,388 tỉ đồng, đặc biệt dự kiến năm 2017 sẽ thu được trên 7,000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong 5 năm, ngân sách nhà nước cũng cấp hơn 14,000 tỉ đồng.

Về việc sử dụng quỹ, ông Minh nêu rõ 5 năm qua, “Quỹ BTĐB trung ương đã phân chia về các quỹ BTĐB địa phương trên 10,000 tỉ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác bảo trì hệ thống đường địa phương. Do nguồn thu tăng nên chi cho công tác bảo trì quốc lộ tăng đáng kể. Nếu như năm 2013 chi trên 5,000 tỉ đồng thì đến năm 2017 tăng lên trên 8,000 tỉ đồng.”

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao nguồn thu do dân đóng góp lớn như vậy lại phải gánh thêm phí BOT?

Về vấn đề này, trả lời báo chí tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ, cho hay, hiện Việt Nam có 575,000 km đường gồm quốc lộ, tỉnh lộ tới đường liên thôn, liên xã nên “nguồn vốn dùng để sửa chữa, tu bổ chỉ đáp ứng được khoảng 43% nhu cầu thực tế.”

Riêng các công trình BOT chỉ khoảng 2,000 km, chiếm 10% so với các tuyến quốc lộ và chỉ chiếm khoảng 1% so hệ thống đường của Việt Nam và “nguồn thu phí BOT chỉ để hoàn vốn đầu tư và bảo trì 2,000 km đường trên.”

Theo ông Huyện, hai nguồn quỹ trên khác nhau và quan điểm cho rằng, người dân vừa đóng phí vào Quỹ BTĐB vừa đóng phí BOT là “phí chồng phí” không đúng.

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam, khẳng định, về tổng thể thì không có hiện tượng phí chồng phí nhưng ở từng tuyến đường cụ thể, việc người dân, doanh nghiệp vừa phải đóng phí BTĐB vừa phải đóng phí BOT thật sự có.

Ông Thanh dẫn chứng, xe hơi chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng qua quốc lộ 5 cũ, ngoài đóng phí BTĐB theo đầu xe còn phải đóng phí BOT. “Rồi các tuyến đường Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình,… mấy trạm BOT chồng lên nhau. Chỉ trong 100km, họ phải trả phí BOT mấy lần và đương nhiên họ vẫn phải trả phí BTĐB theo đầu xe hằng năm. Rõ ràng là ‘phí chồng phí’ còn gì. Cần phải chấm dứt ngay tình trạng một đường 2 phí này,” ông Thanh quả quyết nói.

Tin cho biết, sự thật là trong khi bắt buộc đóng phí BTĐB lại phải è cổ mua vé qua 88 trạm thu BOT bủa vây chỉ trên 2,000 km đường quốc lộ đã dẫn đến sự phản đối quyết liệt của người dân, giới tài xế đối với BOT giao thông thời gian qua. (Tr.N)

Truy bắt kẻ dùng súng cướp ngân hàng ở Vĩnh Long

MỚI CẬP NHẬT