Thursday, April 18, 2024

Dân Việt Nam sắp bị BOT đường thủy tận thu tiền

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giữa lúc công luận bất mãn với tình hình trạm thu phí (BOT) mọc lên như nấm trên khắp các nẻo đường bộ, thì nay Việt Nam sắp sửa có trạm thu phí BOT đường thủy đầu tiên đặt tại Sài Gòn.

Theo báo VNExpress, trạm thu phí BOT đường thủy đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện tại Sài Gòn và dự trù sẽ chính thức thu phí từ cuối năm 2018.

Báo này dẫn lời ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn, cho biết dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới và nạo vét luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi, Sài Gòn, tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, nhằm “giúp cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng được thuận lợi, lưu thông hàng hóa trong vùng Đông Nam Bộ.”

Tin cho hay, được khởi công hồi Tháng Tư, 2015, với tổng mức đầu tư hơn 1,300 tỷ đồng (hơn $57 triệu), dự án đường thủy đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao, tức dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí). Bộ Giao Thông Vận Tải đã đồng ý cho công ty Đầu Tư BOT Bình Lợi làm chủ đầu tư dự án thu phí để hoàn vốn.

Ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư, cho biết việc thu phí chỉ áp dụng với những ghe tàu có trọng tải 300 tấn trở lên, nên không ảnh hưởng đến người dân sử dụng ghe thuyền nhỏ vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn mỗi khi qua cầu Bình Lợi.

Dự án nạo vét luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Lợi, Sài Gòn, tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương), là dự án đường thủy đầu tiên của cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. (Hình: Tuổi Trẻ)

Thời gian thu kéo dài trong 20 năm 9 tháng, dự kiến thu được 1,100 tỷ đồng (hơn $48.2 triệu). Như vậy, với phí và lệ phí ra vào cảng bến là 330 đồng/tấn, một xà lan 500 tấn từ Bình Lợi cập cảng An Sơn, Bình Dương, phải đóng khoảng 185,000 đồng (hơn $8). Nếu thêm giá BOT cho đoạn khoảng 20 cây số đường sông và chui cầu Bình Lợi, sẽ mất thêm 700,000 đồng (hơn $30).

“Mức giá này được cho là rẻ hơn nhiều so với đường bộ,” ông Cúc nói.

VNExpress cũng cho hay, ông Bùi Xuân Cường khẳng định “quan điểm của sở là tập trung tinh thần để xã hội hóa, hoặc thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước đối với các công trình giao thông thủy vì ngân sách thành phố đang thiếu. Vấn đề là làm sao để thu hút được nhà đầu tư cho giao thông thủy.”

Cũng theo ông Cường, nếu thí điểm dự án trên thành công sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia việc hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy theo hình thức BOT cũng như các hình thức xã hội hóa khác.

Theo báo Lao Động, ngay từ khi chưa thu phí hoặc giá, trạm BOT đường thủy này đã đặt ra vô số vấn đề mà vấn đề đầu tiên chính là sự lúng túng của cả chủ đầu tư cũng như Bộ Giao Thông Vận Tải về tên gọi “thu phí” hay “thu giá,” như xác nhận một quan chức bộ này. Chưa hết, việc nhờ các cảng vụ thu hộ giá BOT chính là việc mượn tay cơ quan quản lý nhà nước làm một việc không đúng chức năng nhiệm vụ của họ.

Và quan trọng hơn, tình trạng “trải thảm một đoạn đường chặn cả tuyến thu phí” của các trạm BOT đường bộ có nguy cơ lặp lại, bởi kế hoạch thu phí BOT này đang cho thấy dù chỉ đi qua dạ cầu, mà hoàn toàn không sử dụng cầu như các loại xe hơi đường bộ, các ghe tàu đường thủy tuyến này đang phải trả tiền xây mới cầu sắt Bình Lợi cho mỗi mình xe lửa “vi vu.” (Tr.N)

Rộ tin tướng công an bứng cây đại cổ thụ từ rừng về làm kiểng

MỚI CẬP NHẬT