Friday, April 19, 2024

Dịch bệnh hoành hành ‘vương quốc quýt hồng’ ở Đồng Tháp

ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Lai Vung là địa phương có diện tích trồng quýt hồng lớn nhất Việt Nam nhưng vùng này đang bị dịch bệnh hoành hành. Còn tại Đà Lạt, nông sản đồng loạt giảm giá mạnh.

Theo báo Người Lao Động, thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tá hỏa khi phát hiện cây bỗng dưng vàng đọt, lan ra toàn bộ lá rồi sau đó héo rũ, chết dần.

Bà Trần Thị Lệ (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung) cho biết gia đình bà canh tác hơn 4 công (tương đương hơn 4,000 mét vuông) quýt đã gần bốn năm. Đây là nguồn thu chính của gia đình. Gần đây, thấy vườn quýt xuất hiện bệnh vàng lá, bà mua thuốc về trị. Tuy nhiên, càng trị thì bệnh lây lan càng nhiều. Hiện khoảng 2/3 diện tích vườn quýt bị bệnh vàng lá, coi như phải đốn bỏ.

“Để khắc phục, tôi đành bỏ tiền mua thêm cây giống trồng dặm thêm, hy vọng vớt vát lại. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết và sâu bệnh như hiện nay, chắc vườn quýt của tôi sẽ mất trắng,” bà Lệ buồn bã nói.

Ông Trịnh Công Đảo (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước) nói: “Gia đình tôi có hơn 8,500 mét vuông trồng quýt hồng, quýt đường. Đang là thời điểm thu hoạch nhưng số cây có thể cho trái chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện hơn 80% diện tích vườn quýt nhà tôi bị bệnh, không thu hoạch được, đành phải đốn bỏ.”

Theo Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có khoảng 6,700 hécta trồng cây có múi, trong đó cam, quýt khoảng 5,240 hécta. Thời gian qua, do dịch bệnh hoành hành làm hơn 260 hécta cam, quýt chết. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây cam, quýt chết hàng loạt là do nhà vườn bón quá nhiều phân đạm, làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp nên nhện phát triển mạnh, tấn công bộ rễ, sau đó bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium làm chết cây.

Ngoài ra còn do bón đạm với liều lượng quá cao lúc cây còn nhỏ, đến khi mưa nhiều lượng đạm chảy xuống tập trung quanh vùng chóp rễ, gây ngộ độc làm cây chết trước khi dịch bệnh tấn công.

“Thời gian tới, huyện Lai Vung sẽ làm mô hình điểm để hướng dẫn nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ cùng các viện, trường nghiên cứu, cải thiện độ pH đất của vườn cây có múi để giảm điều kiện cho dịch hại phát triển,” ông Huỳnh Văn Tồn, phó trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Lai Vung, cho biết.

Bắp cải ở Đà Lạt đã qua thời điểm thu hoạch nhưng thương lái không đến thu mua. (Hình: Người Lao Động)

Còn tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong ngày 14 Tháng Tám, 2018, giá các mặt hàng nông sản như bắp sú, cải thảo, khoai tây, súp lơ, hành tây, cà chua, cà rốt, đậu hà lan, dâu tây, bơ, quả hồng… đồng loạt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí nhiều nhà vườn để nông sản úng thối, không thu hoạch bởi vì “bán không ai mua, cho không ai lấy.”

Nói với báo Người Lao Động, chị Phan Thị Hà, đại diện quầy kinh doanh tại chợ nông sản Đà Lạt, cho biết: “Gần đây làm ăn ế ẩm, các mặt hàng rau củ quả của Đà Lạt không còn được người tiêu dùng ưa chuộng do giá nhỉnh hơn nông sản Trung Quốc.”

Không riêng chợ nông sản Đà Lạt ế ẩm, người dân canh tác nông nghiệp tại thành phố này cũng đang lâm cảnh thua lỗ do giá giảm nhiều.

Chị Lâm Thị Như, ngụ phường 8, thành phố Đà Lạt, cho hay: “Mọi năm vào mùa mưa các tỉnh, thành khác khan hiếm rau củ quả nên giá mặt hàng này cao, nông dân chúng tôi có lãi. Năm nay, gia đình canh tác hơn 1 hécta bắp cải và cải thảo, khi xuống giống được một tháng, thương lái quen đến đặt cọc tiền mua nguyên vườn. Nay đã quá thời kỳ thu hoạch, rau đang chuyển sang vàng úa, hư hỏng nhưng không thấy họ đến mua dù gọi điện nhiều lần.”

Theo chị Như, giá các mặt hàng rau củ quả tại vườn ở Đà Lạt hiện bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá này, nếu thuê nhân công thu hoạch, cộng với chi phí vận chuyển… người trồng thua lỗ nặng.

Tại chợ nông sản Đà Lạt, ông Trần Thanh Hoài, một thương lái chuyên thu mua rau Đà Lạt vận chuyển đến khu vực Đông Nam Bộ tiêu thụ, nhìn nhận: “Không có năm nào giá rau ở đây giảm sâu như năm nay. Thông thường vào mùa mưa, giá nông sản Đà Lạt lên rất cao, có thời điểm khan hiếm, giá trung bình lên cao, còn hiện nay giá rất thấp.” (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT