Thursday, April 18, 2024

Dịch COVID-19 tăng liên tục, nông dân Hải Dương khốn đốn lo trắng tay

HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Dịch COVID-19 đang tăng đều đã tác động mạnh tới việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương, khiến nông dân trồng trọt và chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn vì không thể bán hàng.

Mô tả tình trạng buôn bán trong tâm dịch COVID-19 với báo VNExpress, chị Đỗ Thị Dung, chủ trang trại nuôi gà lấy trứng ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cho biết chị đang nuôi 18,000 con gà, mỗi ngày gà đẻ 10,000 trứng, nhưng từ đầu năm đến nay trứng tràn cả trại không bán được quả nào.

Hàng chục ngàn tấn rau, củ của nông dân Hải Dương có khả năng đổ bỏ vì không bán được. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

So sánh với năm ngoái, chị Dung nói ngắn gọn: “Mọi năm từ Mùng Hai Tết đã có xe đỗ trước cửa lấy hàng chở ra các tỉnh khác. Giờ một quả trứng bán còn khó.”

Chị Dung cho biết thêm nhờ hàng xóm thương do chị bị tai nạn nằm nhà cả năm nay, nên giúp giải quyết một số trứng tồn đọng. “Trứng ủng hộ” được bán với giá 8,000 đồng (34 cent)/chục, chỉ bằng gần một nửa so với chi phí sản xuất, thua lỗ khoảng 15 triệu đồng ($651)/ngày.

“Chăn nuôi lỗ lãi thì cũng không phải vấn đề, chỉ mong sao hết dịch, để bán được hàng. Một năm ba lần dịch còn làm ăn được gì,” chị Dung nói.

Ông Lục Văn Nhàn, chủ tịch Hiệp Hội Gà Đồi Chí Linh, cho biết không chỉ trứng, các nông hộ, doanh nghiệp kinh doanh gà ở Hải Dương cũng gặp khó khăn. Hiện riêng thành phố Chí Linh còn gần 1 triệu con gà đang tồn đọng, mặc dù đã giảm 20% so với năm trước. Giá thịt gà cũng giảm gần 10,000 đồng (43 cent) một kg, nhưng tiêu thụ rất chậm.

“Dân Chí Linh nuôi gà để bán Tết nhưng dính dịch đến giờ vẫn chưa tiêu thụ hết,” ông Nhàn lo lắng nói.

Chưa hết, việc vận chuyển, đi lại khó khăn do “ngăn sông cấm chợ” cũng khiến các doanh nghiệp, người chăn nuôi trở nên thận trọng hơn. Ông Trần Văn Thiện, người nuôi cá diêu hồng, cá lăng ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, cho biết trước dịch mỗi ngày có hơn 50 xe vào khu Nam Tân để lấy hàng, giờ chỉ còn lác đác một vài xe.

Ông Thiện cho biết thêm, một xe hàng phải đi qua từ 3 đến 4 điểm chốt kiểm dịch mới ra được khỏi tỉnh. Các xe cũng phải đáp ứng được nhiều giấy phép, kiểm định nghiêm ngặt mới được phép di chuyển. Chưa kể nhiều tỉnh giáp ranh có thông tin không nhận hàng thuỷ sản của Hải Dương.

“Cá lên xe rồi mà bị tắc lại chỉ có nước đổ hết thôi. Hàng hoá khác còn có cửa quay đầu, cá thì không”, ông Thiện nói.

Ông Tạ Văn Hưng, giám đốc Hợp Tác Xã Thuỷ Sản Thăng Long, ở huyện Kinh Môn, cho biết thêm: “Cá không ai buồn bắt vì xe không thông thương được, không biết bán cho ai.”

Người dân phải dùng thẻ để đi chợ ở Phả Lại, hôm 17 Tháng Hai. (Hình: Linh Bùi/VNExpress)

Theo ông Hưng, hiện nay người nuôi cá đang chấp nhận lỗ để nuôi. Lỗ bao nhiêu tùy thuộc vào số ngày hàng hóa còn tồn đọng, vì chi phí chăn nuôi không thể bớt được, thậm chí nguyên liệu đang tăng cao vì việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.

Ông Lương Văn Cầu, phó chủ tịch tỉnh Hải Dương, cũng thừa nhận khó khăn hiện tại là tình trạng “ngăn sông cấm chợ” khi nhiều thương lái dù đã đặt hàng mua nông sản của nông dân nhưng không quay lại. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng (kể cả nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) đi liên tỉnh gặp nhiều khó khăn. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT