Thursday, March 28, 2024

Dịch sốt xuất huyết tăng, bệnh viện không đủ chỗ chứa bệnh nhân

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dịch sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, Sài Gòn. Chỉ từ đầu năm nay đến thượng tuần Tháng Tám, số người bị sốt xuất huyết tăng gấp ba lần năm 2014.

Theo báo Tuổi Trẻ, hiện nay, cứ vài tiếng, hệ thống loa phóng thanh tại Hà Nội lại nhắc dân chúng ở thành phố này một lần về cách phòng ngừa sốt xuất huyết và những dấu hiệu giúp nhận biết đã bị sốt xuất huyết để đến bệnh viện ngay.

Tính từ đầu năm đến nay, riêng Hà Nội đã có 13,000 người phải vào bệnh viện vì sốt xuất huyết, trung bình cứ mỗi 100,000 dân thì có 184.36 người bị sốt xuất huyết phải vào bệnh viện. Ở Sài Gòn, số người phải vào bệnh viện vì sốt xuất huyết là 16,534, nếu tính theo mức 100,000 dân thì tỉ lệ này ở Sài Gòn là 167.55.

Theo Bộ Y Tế, 20 tỉnh, thành có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất hiện nay là Ðà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Sài Gòn, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Sóc Trăng, Phú Yên, Ðồng Nai, Quảng Nam, Bình Thuận, Gia Lai, An Giang, Cà Mau, Long An, Ðồng Tháp, Trà Vinh, Bình Ðịnh, Tiền Giang.

Tuy nhiên những con số như vừa kể vẫn chỉ có tính chất tượng trưng. Ông Trần Ðắc Phu, cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng (chuyên trách về phòng ngừa, đối phó dịch bệnh) của Bộ Y Tế, nói với báo Tuổi Trẻ rằng, hệ thống y tế đang phải phân loại bệnh nhân, chỉ cho nhập viện những trường hợp nặng, trường hợp nhẹ thì cho về nhà (nhóm này thường bị bỏ qua, không tính vào tổng số bị sốt xuất huyết) vì nếu cho vào bệnh viện hết, các cơ sở y tế sẽ thiếu giường cho bệnh nhân nằm, bác sĩ sẽ rất vất vả.

Báo điện tử VietNamNet cho biết, nhiều bệnh viện tại Hà Nội như các bệnh viện Bệnh Nhiệt Ðới, Bạch Mai, Ðống Ða đã phải dùng cả hội trường, phòng làm việc của các nhân viên y tế, mượn giường của các doanh nghiệp để xếp chỗ cho bệnh nhân nằm.

Số ca mắc bệnh và chết do sốt xuất huyết từ năm 2013 đến bảy tháng đầu năm 2017 tại Việt Nam. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Nhưng trên báo chí Việt Nam, càng ngày càng nhiều trường hợp, người bệnh phải đi đến bốn bệnh viện mới được nhận vào điều trị, rồi do thiếu chỗ nằm, bệnh nhân phải ngồi, kể cả lúc cần truyền dịch. Ðó cũng là lý do chiều 10 Tháng Tám, Bộ Y Tế đã đề nghị họp bất thường với chính quyền thành phố Hà Nội, đề nghị tìm cách tăng thêm số giường để điều trị cho những người bị sốt xuất huyết.

Bị chất vấn tại sao có tiền, có phương tiện nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn lan rộng, số người bị sốt xuất huyết vẫn tăng không ngừng, ông Phu phân trần, Cục Y Tế Dự Phòng đã dự đoán về dịch từ đầu năm, đã đưa ra rất nhiều hướng dẫn phòng ngừa song không hiệu quả một phần vì dân chúng lơ là, phần khác là hệ thống công quyền không bận tâm.

Theo ông Phu, chính quyền của rất nhiều địa phương không chịu chi tiền phòng dịch. Ðến lúc dịch đã bùng lên mới đối phó như tổ chức phun thuốc diệt muỗi. Tại nhiều nơi, việc phun thuốc diệt muỗi, kiểm tra – loại bỏ những yếu tố giúp muỗi sinh sôi, nảy nở ở tư gia, nơi công cộng, các công trường chỉ làm chiếu lệ.

Dân chúng cũng vậy, vẫn có rất nhiều người ngăn cản nhân viên y tế không cho họ phun thuốc diệt muỗi. Sài Gòn đã phạt 150 trường hợp không hợp tác phòng ngừa sốt xuất huyết. Hà Nội chỉ mới phạt hai trường hợp dạng này.

Theo báo Tuổi Trẻ, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết sốt xuất huyết đang là vấn nạn của một số quốc gia Châu Á. Vấn nạn này trở thành nghiêm trọng vì sự xuất huyết của một chủng virus mới mà hệ miễn dịch của con người chưa có khả năng đề kháng.

Tại Việt Nam, các viên chức y tế hữu trách đã xác nhận, sốt xuất huyết giờ rất phổ biến nơi người lớn, các biến chứng nguy hiểm đã trở thành thường gặp hơn. Thời điểm vẫn được xem là cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam là Tháng Chín đến Tháng Mười Một hằng năm.

Chưa vào cao điểm dịch sốt xuất huyết đã vậy, khi tới cao điểm không rõ tính chất nghiêm trọng của dịch sốt huyết tại Việt Nam sẽ đến mức nào? (G.Ð)

Bắt nữ bí thư phường cầm đầu dây cờ bạc tại Hà Nội

MỚI CẬP NHẬT