Friday, April 19, 2024

Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh thoát án tử hình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đinh La Thăng chỉ bị đề nghị từ 14 đến 15 năm tù trong khi Trịnh Xuân Thanh chỉ bị đề nghị án chung thân, thấp hơn khung án cao nhất là tử hình.

Sau 4 ngày xét xử qua các cuộc xét hỏi và thẩm vấn các bị cáo, đại diện Viện Kiểm Sát tức công tố viên của hệ thống tư pháp CSVN đề nghị kết án ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, 14 đến 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của chính phủ về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng…” khi ông còn là chủ tịch hội đồng thành viên của tập đoàn quốc doanh đầu khí Petro Vietnam (PVN).

Trịnh Xuân Thanh chỉ bị đề nghị bản án tù chung thân cho tội “Tham ô tài sản” thêm 13 đến 14 năm tù cho tội “Cố ý làm trái…” Mức đề nghị này thấp hơn khung hình phạt tử hình theo điều 278 của Luật Hình Sự CSVN (1999) khi “gây hậu quả nghiêm trọng” và “có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.”

Cũng trong phiên xử ngày 11 Tháng Giêng 2018, 20 bị cáo khác cũng dính trong vụ việc liên quan đến PVN góp vốn vào ngân hàng Đại Dương làm mất trắng 800 tỉ đồng của nhà nước và dự án nhiệt điện Thái Bình II, chỉ bị đề nghị từ 6 đến 13 năm từ nếu là tội “Cố ý làm trái…” với một người bị đề nghị án treo 2 đến 3 năm, trong khi những người bị quy kết tội danh tham ô, chỉ bị đề nghị 30 tháng tù đến 18 năm tù, với 3 người bị án treo từ 30 đến 36 tháng.

Luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng chống chế rằng ông Thăng “không có tư lợi” và cũng không “cố ý làm trái” mà chỉ “thiếu trách nhiệm” nên gây ra hậu quả dẫn đến vụ án. Ngày thứ hai của phiên tòa, ông Đinh La Thăng đã chống chế cho các quyết định của mình là đươc Bộ Chính Trị và ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho “chỉ định thầu” dự án nhiệt điện Thái Bình II.

Ông Thăng nhận trách nhiệm “cố ý làm trái” khi đầu tư dự án nhiệt điện Thái Bình II và đưa ra các quyết định đầu tư 3 lần tổng cộng 800 tỉ đồng vào ngân hàng Đại Dương. Ngân hàng này làm ăn thua lỗ, nợ xấu ngập đầu buộc ngân hàng nhà nước mua lại bằng zero đồng, làm PVN mất trắng số tiền góp.

Khi xử tội Hà Văn Thắm (chủ tịch ngân hàng Đại Dương) và Nguyễn Xuân Sơn (tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương được đưa sang đây khi đang làm phó tổng giám đốc PVN) hồi Tháng Chín 2017, người ta thấy khai ra những kẻ cầm đầu ngân hàng đã “chi lãi ngoài” đến 1,576 tỉ đồng, phần lớn là cống nạp cho các sếp lớn nhỏ của PVN và các công ty con của PVN.

Có những lời khai chia số tiền “lãi ngoài” đó cho những ai và bao nhiêu mỗi người nhưng không hề thấy đề cập người nhận nào tên Đinh La Thăng. Chẳng lẽ những người bên dưới hưởng hết còn người quyết định trên cùng thì chẳng được xơ múi gì? Không thấy đề cập.

Tuy ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc sử dụng sai trái số tiền 1,115 tỉ đồng cho dự án nhiệt điện Thái Bình, nhưng đại diện của PVC khai “đã thu hồi được 1,240 tỷ đồng” tức lớn hơn con số bị dùng bậy. Ông Thanh cũng chối không “tham ô” dù gia đình ông đem nộp 2 tỉ đồng để “khắc phục hậu quả.”

Ông Đinh La Thăng khi lọt vào được Bộ Chính Trị trong kỳ đại hội đảng đầu năm 2016, người ta nhìn thấy ông như một ngôi sao đang lên. Nhưng các cuộc điều tra đánh tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng nhắm vào phe cánh cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và vụ án xử các thuộc cấp của ông tại PVN đã đẩy ông vào nhà tù.

Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang tới Đức và xin tị nạn nhưng chế độ Hà Nội đã lập kế bắt cóc, đưa về trị tội bất chấp các hệ quả chính trị và kinh tế trong mối bang giao với Đức nói riêng và Liên Âu nói chung.

Chính phủ Đức đã mở cuộc điều tra vụ bắt cóc và đuổi về nước hai viên chức ngoại giao cấp cao của CSVN, đồng thời đòi phải trả Trịnh Xuân Thanh về Đức cho họ cứu xét đơn xin tị nạn cũng như đề nghị xin dẫn độ của Việt Nam. Nếu không có sức ép của nước Đức, rất có thể bản án của Trịnh Xuân Thanh có thể khác.

Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) năm 2016 xếp Việt Nam hạng 113 trên 176 nước trên thế giới về tham nhũng. (TN)

Mời độc giả xem bình luận “Số phận Đinh La Thăng sẽ ra sao?”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT