Saturday, April 20, 2024

Nhà Xuất Bản Giáo Dục ‘hốt bạc’ nhờ độc quyền bán sách giáo khoa

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cứ mỗi cuốn sách giáo khoa bán ra trong năm 2021, Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam thu về hơn 11,100 đồng (50 cent) doanh thu và 1,750 đồng (chưa tới 10 cent) lợi nhuận.

Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam là đơn vị được độc quyền biên soạn và phát hành sách giáo khoa, cũng như toàn quyền ấn định giá sách bắt buộc học sinh phải mua để đến lớp.

Sách giáo khoa mỗi năm mỗi đổi và tăng giá là gánh nặng cho phụ huynh. (Hình: Zing)

Báo Zing hôm 3 Tháng Bảy cho hay, báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 của nhà xuất bản này ghi nhận “kết quả kinh doanh cao kỷ lục,” nhờ sản lượng phát hành sách giáo khoa “vượt 40% so với kế hoạch.”

Cụ thể, trong năm 2021, Nhà Xuất Bản Giáo Dục phát hành tổng cộng 164.6 triệu bản sách giáo khoa, vượt 47.6 triệu bản so với kế hoạch do Bộ Giáo Dục giao chỉ tiêu hồi đầu năm. Nhờ vậy mà các chỉ tiêu tài chính của nhà xuất bản “tăng cao kỷ lục.”

Doanh nghiệp này được ghi nhận thu về 314.4 tỷ đồng ($13.5 triệu) lãi trước thuế, “vượt 150% so với kế hoạch được giao.” Lợi nhuận sau khi trừ thuế là 287.4 tỷ đồng ($12.3, triệu), cũng “vượt 150% so với kế hoạch. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay mà nhà xuất bản này ghi nhận được,” theo báo Zing.

Đáng lưu ý, tuy thu được mức “lời kỷ lục,” nhưng lãnh đạo Nhà Xuất Bản Giáo Dục lại than thở rằng “tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in… cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.”

Hồi trung tuần Tháng Năm, cộng đồng mạng bàn tán về phát ngôn của ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo: “Sách giáo khoa mới đắt gấp hai, ba lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ.”

Ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Giáo Dục và Tạo CSVN, bị công luận chỉ trích về phát ngôn biện hộ rằng sách giáo khoa tăng giá vì “khổ to, giấy tốt.” (Hình: Zing)

Thời điểm đó, theo báo Dân Trí, tại cuộc họp ở nghị trường, ông Sơn còn nói thêm rằng ông “không phải thanh minh hay giải thích thay cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để các đại biểu biết thêm.”

Cũng theo ông này, các doanh nghiệp tự đảm nhiệm và kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài Chính và năm nay, bộ này “chỉ đạo ráo riết” để sách giáo khoa giảm giá từ 10% đến 15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu tăng cao. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT