Thursday, April 18, 2024

Đối thoại với chủ tịch tỉnh thất bại, dân Quảng Ngãi tiếp tục chặn xe rác

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Sau khi chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đối thoại, hàng trăm người dân vẫn dùng quan tài, vật cản ngăn chặn xe chở rác vào nhà máy.

Theo báo Người Lao Động, sáng 16 Tháng Tám, 2018, hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục dùng nhiều vật cản không cho xe chở rác vào Nhà Máy Xử Lý Rác Thải Sinh Hoạt Sa Huỳnh.

Người dân còn dựng nhiều khu lều, phía trên phủ bạc, bên trong hàng chục người ngồi canh giữ. Họ thay nhau mang thức ăn, nước uống, canh giữ 24/24. Việc chặn xe này diễn ra từ ngày 29 Tháng Bảy tới nay, dù nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi đã hai lần tổ chức đối thoại nhưng người dân vẫn không đồng tình, tiếp tục chặn xe chở rác vào nhà máy.

Tại buổi đối thoại diễn ra sáng 15 Tháng Tám, hội trường Ủy Ban Nhân Dân xã Phổ Thạnh với sức chứa khoảng 200 người hầu như không còn chỗ trống. Nhiều người bắc ghế đứng ngoài cửa sổ để theo dõi diễn biến. Trước trụ sở ủy ban, hàng trăm người cầm băng rôn, biểu ngữ, đồng thanh yêu cầu “dời nhà máy.”

Người dân căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối, yêu cầu di dời nhà máy. (Hình: Lao Động)

Theo báo VNExpress, rất nhiều người dân tỏ rõ sự tức giận vì cho rằng, việc xây dựng nhà máy quá gần khu dân cư, nằm trên núi khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu đóng cửa, di dời nhà máy.

“Trước đây, bãi cũ chỉ chứa rác của xã Phổ Thạnh, sau đó, huyện cho chở rác từ các xã khác trong huyện về xử lý. Chất độc tích tụ lâu ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ khu vực này rất cao,” một ông nhăn nhó nói, giọng nghèn nghẹn.

Bà Đỗ Thị Đa, thôn Thạch Bi, lớn giọng nói: “Đúng ra chúng tôi đã phản ứng bốn năm trước, khi mới có hố rác chứ chưa xây nhà máy. Nhưng chính quyền địa phương hứa sau này sẽ làm nhà máy ở xã Phổ Nhơn chứ không phải Sa Huỳnh, nên chúng tôi im lặng.”

Người phụ nữ chua chát, buổi đối thoại vừa qua, chủ tịch huyện hứa sẽ có nguồn nước sạch đưa về, nhưng chờ nguồn nước này thì người dân đã ung thư hết.

“Nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt ai bảo đảm là tốt. Dù xử lý hiện đại cỡ nào thì vẫn ô nhiễm 5%-10%. Nhà máy được cấp phép hoạt động 49 năm, mỗi năm chúng tôi chịu 5% ô nhiễm thì nhân lên là bao nhiêu?” bà Đa lập luận và đặt câu hỏi.

“Dân nói ra thì cán bộ nói nhà máy xây dựng mấy mươi tỷ, bao nhiêu tỷ có đủ để đánh đổi bệnh của chúng tôi và con em không?” bà gằn giọng và nói dứt khoát, nếu họp dân từ đầu thì không ai đồng tình.

Người dân dùng quan tài và nhiều vật cản chặn đường lên nhà máy rác. (Hình: Người Lao Động)

Kết luận buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận huyện đã “làm hơi tắt” khi xây dựng nhà máy, khi lấy ý kiến từ chính quyền chứ không phải người dân chịu ảnh hưởng.

“Còn người dân, tôi yêu cầu làm gì thì làm, bức xúc thì phản ánh chính quyền. Còn trường hợp sai phạm, những anh nào cầm đầu kích động, gây rối loạn trên địa bàn tỉnh, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông chủ tịch tỉnh nói.

“Vừa dứt lời, người dân ở dưới lại la hét vang hội trường,” báo VNExpress tường thuật.

Trong lúc đó, ông Trần Ngọc Căng nhắc lại quan điểm: “Tôi đề nghị giám đốc công an tỉnh xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, để đảm bảo cho kinh tế-xã hội và an ninh chính trị, đảm bảo thu hút đầu tư.”

“Lúc này, người dân bỏ chỗ ngồi, nhao nhao lớn tiếng phản đối. Một số người vây quanh Đại Tá Võ Văn Dương, phó giám đốc Công An tỉnh Quảng Ngãi, tranh luận, họ khẳng định người dân bất bình chứ không có kẻ cầm đầu kích động,” báo này cho hay.

Ủy ban xã Phổ Thạnh tiếp tục bị vây quanh trong vòng nửa giờ, sau đó người dân bỏ về, tiếp tục chặn đường lên nhà máy xử lý rác. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT