Friday, March 29, 2024

Giành đất Thủ Thiêm xây ‘ba mớ’ dự án Trung Tâm Triển Lãm rồi bỏ hoang

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau hơn bảy năm thi công, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch ở Sài Gòn vẫn là một khối bê tông với khung sắt, nằm trơ trọi, hoang phế giữa những lô đất trống ở Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức.

Theo báo Zing, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch ở Sài Gòn (một dạng công trình bảo tàng kiến trúc) được đầu tư xây dựng 800 tỷ đồng ($34.62 triệu) từ nguồn ngân sách thành phố, thực hiện theo “chủ trương từ 13 năm trước.”

Với người dân Sài Gòn, Trung Tâm Triển Lãm thường được mô tả là “nấm mồ hoang phế.” (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Mục đích của công trình này là nhằm để trưng bày “các chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị ngoại giao, hiện vật mới…” Ngoài ra là không gian sáng tạo dành cho học sinh sinh viên, thiếu nhi; khu sân vườn, khu văn phòng, xưởng phục chế hiện vật, thư viện…

Ban đầu, giới hữu trách dự kiến vào Tháng Tư, 2016, công trình sẽ được đưa vào sử dụng, thế nhưng sau đó phải lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2017. Song hơn bảy năm qua, dự án đã dừng thi công khi đã đạt khoảng 80% khối lượng xây dựng phần thô.

Do để lâu ngày không xây tiếp, hiện tầng trệt và tầng hầm bên trong Trung Tâm Triển Lãm thường xuyên bị ngập nước sau những cơn mưa lớn. Rác, vật liệu mục nát nổi lềnh bềnh. Mảng tường bên ngoài đã chuyển thành màu đen. Thang cuốn lên xuống các tầng đang lắp đặt nhưng bị ngừng thi công giữa chừng, giờ gỉ sét, mục rã.

Bên ngoài Trung Tâm Triển Lãm, con đường lớn nhất ký hiệu R1 (đại lộ Vòng Cung) dài 3.4 cây số vẫn đang dở dang nhiều đoạn sau nhiều năm thi công. Chưa hết, dự án công viên bờ sông Thủ Thiêm trải dài 2 cây số từ Trung Tâm Triển Lãm đến khu thể thao giải trí phía Nam vẫn chỉ là những cánh đồng cỏ mọc đầy lau sậy.

Kề bên, Quảng Trường Trung Tâm Thủ Thiêm với diện tích hơn 20 hécta, kết nối với trung tâm thành phố Sài Gòn hiện hữu, chỉ cần qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn là đến Công Trường Mê Linh, quận 1, cũng chưa có dấu hiệu khởi công.

Trước khi dự án này được khởi công, người dân ở Sài Gòn đã phản ứng vì cho rằng nó không cần thiết. Báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng cho biết: “Sài Gòn hiện có hơn 10 bảo tàng, nhưng hiện hầu hết đang rơi vào cảnh vắng khách. Một trong các nguyên do là hiện vật ở các bảo tàng trưng bày thiếu khoa học, không theo chủ đề câu chuyện trải dài theo bề dày lịch sử, thiếu tính thẩm mỹ, không gian lại thiếu ánh sáng, tạo cảm giác buồn bã, hiu hắt.”

Tầng trệt và tầng hầm thường xuyên bị ngập nước, rác, vật liệu mục nát nổi lềnh bềnh. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Báo Nhân Dân của đảng CSVN hôm 4 Tháng Mười Hai, 2018, cũng thừa nhận: “Việt Nam hiện có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.”

“Dù hàng loạt bảo tàng đang hoạt động kém hiệu quả như vậy, nhưng ở một số địa phương lại xuất hiện tình trạng đua nhau xây bảo tàng để chào mừng các ngày lễ lớn, hoặc tư duy ‘hoành tráng hóa’ các công trình bảo tàng, để rồi không thiếu bảo tàng khánh thành xong chỉ có ‘vỏ’ mà không có ‘ruột,’ gây lãng phí lớn,” tờ báo viết.

Với người dân Sài Gòn, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch nêu trên là khối bê tông đồ sộ hình chữ A có thể nhìn thấy bên kia sông Sài Gòn từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1, thường được mô tả là “nấm mồ hoang phế” hoặc “lô cốt màu xám.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT