Thursday, March 28, 2024

Đường bắp Trung Quốc tràn ngập Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Loại đường dạng lỏng này có nguồn gốc của Trung Quốc, làm từ bắp, trong đó có cả giống biến đổi gien, gây ra rất nhiều bệnh khi sử dụng.

Theo báo Người Lao Động, đường bắp (giới kinh doanh gọi là đường lỏng) nhập cảng vào Việt Nam cả trăm ngàn tấn/năm. Ông Đỗ Thành Liêm, tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Đường Khánh Hòa, cho biết đường bắp hiện được một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực sử dụng khá nhiều do giá quá rẻ, độ ngọt cao gấp nhiều lần đường mía.

Đường bắp có giá rẻ là do được chiết xuất thủy phân từ nguyên liệu bắp. Trong quá trình thủy phân còn sử dụng thêm các loại hóa chất khác. Theo giới chuyên môn, những cơ sở sản xuất đường dạng lỏng này có thể sử dụng cả loại bắp biến đổi gien để được lãi cao.

Giá thành đường bắp đã thấp, lại thêm thuế nhập cảng được ưu đãi nên nguồn hàng này được nhập cảng vào Việt Nam khá nhiều. Theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, trước đây đường bắp nằm trong danh mục có hạn ngạch để nhập cảng, nhưng gần đây mặt hàng này được tự do nhập cảng.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cho biết sau khi vào Việt Nam, loại đường nước này đã tác động khá mạnh đến việc tiêu thụ đường mía trong nước. Hiện lượng đường mía do doanh nghiệp này cung cấp cho các nhà máy nước ngọt, nước tăng lực đã giảm 50% so với trước đây. Gần đây, doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường bắp.

Theo giới chuyên môn, có sự khác biệt giữa đường làm từ mía và đường làm từ bắp gọi là đường bắp cao phân tử (High Fructose Corn Syrup – HFCS). Bắp qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất cho ra một hợp chất sinh học và hóa học có tên HFCS.

Trong HFCS, các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose ngọt hơn glucose. Fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo. Đây là lý do tại sao HFCS là nguyên nhân chính gây tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan mà nhiều người đang mắc phải.

Glucose được hấp thụ vào máu nhanh chóng sẽ kích hoạt sản xuất số lượng lớn insulin – hormone lưu trữ chất béo chủ yếu ở cơ thể. Cả hai thuộc tính trên của HFCS đều dẫn tới tăng nhiễu loạn hấp thu khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ.

Lượng fructose cao tạo ra lỗ thủng ở ruột, cho phép các sản phẩm phụ là vi khuẩn đường ruột độc hại và chất đạm từ thức ăn vừa được tiêu hóa một phần tiến thẳng vào máu, gây ra viêm nhiễm.

Tin cho hay, đường bắp Trung Quốc và đường mía có nguồn gốc từ Thái Lan trong nhiều năm qua đã nhập lậu Việt Nam gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Thời điểm này là chính vụ sản xuất, chế biến đường nhưng lượng đường tồn kho từ niên vụ trước vẫn còn rất lớn.

Theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, cả nước có 40 nhà máy đường nhưng một số nhà máy lỗ lã nên đã ngưng sản xuất. Tồn kho tại các nhà máy đến hết Tháng Mười Hai, 2017, là 234,581 tấn đường, còn tại các công ty thương mại là 20,527 tấn. Đường trong nước bán buôn trên thị trường hiện có giá rất thấp nhưng vẫn cao hơn đường nhập lậu nên rất khó tiêu thụ. (TS)

Mời độc giả xem phóng sự “Người Mỹ tên Lê Văn Tèo”

MỚI CẬP NHẬT