Thursday, March 28, 2024

Formosa Hà Tĩnh được vận hành thử nghiệm lò cao thứ hai

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Hôm 16 Tháng Năm, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN phát đi thông cáo báo chí về việc cho phép công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm lò cao số hai.

Cách đây một năm, lò cao số một đã được Formosa đưa vào hoạt động và được ghi nhận “đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất gang thép khép kín.” Đến Tháng Hai, 2018, sản lượng phôi thép sản xuất tại đây đạt 2 triệu tấn, sản lượng thép cuộn cán nóng đạt 1.45 triệu tấn, truyền thông Việt Nam tường thuật.

Thông cáo của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nhấn mạnh: “Hội Đồng Giám Sát Liên Ngành đánh giá đến thời điểm này, hạng mục đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường để Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm theo quy định pháp luật.”

Thông cáo cũng cho thấy Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đứng ra bảo chứng cho Formosa Hà Tĩnh về vấn đề môi trường mà công luận quan ngại. Cụ thể, bộ nói nhà máy Formosa Hà Tĩnh “đã hoàn thành và vận hành ổn định các công trình thu gom, quản lý, xử lý các loại nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh từ quá trình vận hành của lò cao”; “đã lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc khí thải tự động, truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Cục Môi Trường để kiểm tra, giám sát”; “hoàn toàn đảm bảo xử lý an toàn lượng nước thải phát sinh của lò cao số hai trước khi xả vào hồ sự cố kết hợp hồ sinh học và xả ra biển…”

Cùng thời điểm, báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin-Truyền Thông cho biết Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra việc “khắc phục sự cố môi trường” tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh.

Tờ báo nói ông Dũng đề nghị Formosa Hà Tĩnh “đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống dập cốc ướt sang dập cốc khô theo cam kết.” Đồng thời, ông Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền Hà Tĩnh “phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.”

Tuy vậy, mạng xã hội đón nhận tin nhà máy Formosa Hà Tĩnh vận hành lò cao thứ hai với nhiều lo ngại.

Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết trên trang Facebook cá nhân: “Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Samsung và Formosa thì việc Formosa vận hành lò cao thứ hai là một tin rất vui cho chính phủ ‘kiến tạo voi giày.’ Đổi lại, đó là tin cực buồn cho cư dân quanh vùng, đặc biệt là ngư dân. Tất cả các chất độc hại xả thải ra môi trường đều tăng gấp đôi. Sắp tới là gấp ba.”

Sau hai năm thảm họa Formosa, công luận có lý do để tiếp tục đặt dấu hỏi về chuyện chính quyền CSVN tiếp tục dành những ưu đãi cho Formosa Hà Tĩnh bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân.

Hồi cuối Tháng Tư, 2018, báo điện tử Dân Trí cho hay trong lúc hàng trăm doanh nghiệp, khu công nghiệp trên cả nước đang bị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường lên kế hoạch thanh tra môi trường thì nhà máy Formosa Hà Tĩnh “nghiễm nhiên nằm ngoài danh sách này.”

Trong một diễn biến khác, báo điện tử VietNamNet viết: “Ủy Ban Nhân Dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bị phát hiện dùng 150 triệu đồng ($6,540) từ khoản tiền đền bù thiệt hại hơn 1.47 tỷ đồng ($64,092) cho người dân sau sự cố Formosa để “trang trí cổng làng, sửa máy photocopy và cho cán bộ đi du lịch.”

Tờ báo cũng viết thêm rằng cả chín thôn tại xã Cảnh Dương “đều bị thiệt hại nặng nề sau sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016 với 7,322 người được phê duyệt đền bù.”

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trọng Đậu, trưởng thôn Sơn Bằng được ghi nhận ép buộc người dân phải nộp “tiền lót tay” mới được nhận tiền đền bù vụ Formosa, theo báo Nhà Báo và Công Luận hôm 6 Tháng Năm, 2018. Cụ thể, người dân muốn nhận 45 triệu đồng ($1,962) theo định mức thì phải nộp 10 triệu đồng ($436), ai không chịu “lót tay” thì không được đền bù. (T.K.)


Video: Tin Trong Ngày

Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT