Thursday, March 28, 2024

An Giang xóa chợ bán ‘hàng sida,’ người nghèo mất kế sinh nhai

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Các tiểu thương nghèo mua bán ở chợ Long Châu, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, lo âu khi chợ chuyên bán quần áo “sida” lâu đời này sẽ bị giải tỏa để “chống hàng lậu.”

“Hàng sida,” là tên người dân Việt Nam gọi quần áo hay đồ dùng cũ được mang bán lại cho người nghèo, đa số được nhập cảng từ ngoại quốc, thông qua biên giới với Cambodia.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, chợ quần áo cũ Long Châu, còn gọi là chợ “sida” đã hoạt động trên 20 năm, có 365 lô, sạp của 200 tiểu thương buôn bán (tính luôn chợ Kim Phát giáp ranh), nổi tiếng nhất miền Tây với nhiều mặt hàng thời trang, mỹ phẩm đã qua sử dụng nhập từ nước ngoài về. Các tiểu thương đang lo lắng khi nhà cầm quyền tuyên bố sẽ thay khu chợ này bằng các mặt hàng khác để “phòng ngừa buôn lậu.”

“Châu Đốc sẽ yêu cầu phường Vĩnh Mỹ vận động người dân từ từ chuyển đổi không còn bán quần áo cũ ngoài nước tại chợ ‘sida’ hoặc buôn bán mặt hàng khác để hạn chế tình trạng ‘thẩm lậu’ quần áo ngoại sang Việt Nam,” ông Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch Châu Đốc xác nhận với Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Năm.

Thông tin trên từ chính quyền Châu Đốc khiến nhiều tiểu thương gắn bó nhiều năm với chợ “sida” nổi tiếng này một phen “dậy sóng.”

Lãnh đạo Châu Đốc thừa biết khu vực này toàn là dân nghèo nhờ nghề này mà sinh sống nhưng vẫn quyết giải tỏa chợ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nhiều tiểu thương cho rằng nếu chính quyền chuyển đổi hàng hóa đặc trưng nhất ở chợ này thì hàng trăm hộ dân khu vực và hàng ngàn người nghèo khu vực này sẽ rơi vào cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (73 tuổi), một tiểu thương bán quần áo tại chợ “sida” trên 20 năm qua, cho biết chợ này chủ yếu phục vụ người lao động nghèo với giá các mặt hàng “rẻ bèo,” bởi hàng hóa được thu mua khắp nơi, một số thì mua qua đấu giá để bán lại.

“Chợ này tồn tại đã lâu, giúp rất nhiều người nghèo. Vì giá rất rẻ, chừng 10,000-20,000 đồng/cái quần hoặc cái áo, ai cũng có thể mua đồ mặc…,” ông Phúc nói.

Trong khi đó, ông Đ., tiểu thương chợ “sida,” cho rằng chợ này hiện rất ế ẩm, có khi cả tháng trời ông vẫn chưa bán được 5kg đồ quần áo cũ.

Theo ông Đ., nếu chính quyền chuyển đổi cho người dân bán hàng trong nước thì sẽ khó cho họ, vì ở đây bán hàng cũ giá bèo phù hợp với người nghèo, còn quần áo may sẵn của doanh nghiệp Việt Nam giá mắc hơn.

“Nếu không có chợ này thì du khách đổ về Núi Sam sẽ tham quan, mua đồ ở đâu? Chưa kể chợ này cũng là nơi cung cấp quần áo cứu trợ cho các tỉnh phía ngoài mỗi khi xảy ra lũ lụt. Nếu chuyển đổi thì hàng trăm sự sống dân nghèo nơi đây sẽ ra sao?,” ông Đ. đặt câu hỏi.

Theo ông Huỳnh Văn Miến, trưởng ban quản lý chợ Châu Long, hàng hóa chợ này chủ yếu là quần, áo, giày, dép, dây nịt, nón… tất cả đều do tiểu thương lên chợ Bà Chiểu, Tân Bình, mua về trà trộn với một phần quần áo cũ mua lại từ bán đấu giá của quản lý thị trường. Ngoài việc bán tại chỗ, tiểu thương còn chia sẻ cho các hộ nghèo đến các vùng nông thôn bán.

“Tuy nói là đồ cũ, đồ nghĩa địa nhưng quần áo này rẻ mà bền lắm. Như bộ đồ tôi đang mặc cả quần và áo chưa được 50,000 đồng nữa. Nếu chính quyền chuyển đổi buôn bán hàng trong nước chắc bà con gặp nhiều khó khăn lắm. Thiết nghĩ, nếu đổi sang buôn bán các loại khác thì chính quyền nên có phương án hỗ trợ ban đầu cho bà con,” ông Miến nói.

Để giảm áp lực từ dư luận, ông Tuấn cho rằng việc này sẽ tiến hành “theo lộ trình cụ thể” tránh ảnh hưởng rất lớn đến sự sống hàng trăm hộ dân khu vực này. (Tr.N)

Chủ tịch lọc hóa dầu Bình Sơn bị bắt và bị khởi tố

MỚI CẬP NHẬT