Thursday, March 28, 2024

Giới luật sư bất bình chuyện Hội Luật Gia Việt Nam ‘bắt tay làm luật’ với Hiệp Hội Bia-Rượu

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Chín, một số luật sư công khai bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội về tin Hội Luật Gia Việt Nam (VLA) “bắt tay làm luật” với Hiệp Hội Bia–Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam (VBA).

Vài ngày trước, báo Người Đưa Tin tường thuật: Chương trình phối hợp công tác của VLA và VBA có mục đích nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hai bên. Nội dung phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của mỗi bên và theo đúng quy định của pháp luật.”

“Hai hội phối hợp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình khi một trong hai bên có yêu cầu. Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền, phổ biến để nhân dân, trước hết là hội viên VLA và hội viên VBA hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; trong đó chú trọng đến các chủ trương, chính sách pháp luật về xây dựng và phát triển ngành bia–rượu và nước giải khát Việt Nam,” tờ báo viết.

Ngay sau đó, người ta thấy báo Nhịp Sống Kinh Tế (trang CafeF) đăng tin rằng nhiều luật sư “không đồng tình” về dự luật phòng chống tác hại rượu bia.

Website nêu trên giải thích: “Nguyên nhân là do nhìn một cách toàn diện, rượu bia không phải là những thức uống gây hại cho sức khoẻ. Với những sản phẩm chất lượng đảm bảo, rượu, bia mang đến giá trị văn hoá, tinh thần cho người sử dụng. Thậm chí, ở liều lượng vừa đủ, rượu, bia có tác dụng tốt đối với cơ thể. Nghĩa là vấn đề nằm ở việc kiểm soát lạm dụng rượu bia cũng như chất lượng của loại đồ uống.”

Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Năm 2009, Bộ Tư Pháp (CSVN) ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ pháp lý cho Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam. Năm nay 2018, Hội Luật Gia Việt Nam ký kết hợp đồng hợp tác với Hiệp Hội Bia-Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam. Chuyện gì đang diễn ra nhỉ?!”

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc VLA và VBA bắt tay vận động chính sách “không có gì mới” ở Việt Nam. Vì theo “thông lệ,” lâu nay những doanh nghiệp được cho là có lợi ích đi ngược lại với sức khỏe cộng đồng vẫn được tham gia góp ý, tham vấn vào các chính sách phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá. Trong khi ở chiều ngược lại, những nạn nhân của thuốc lá, rượu bia lại không được góp tiếng nói vào quá trình xây dựng luật.

Theo VNExpress, hồi Tháng Năm, 2018, Bộ Y Tế CSVN nói người Việt “uống rượu bia nhiều,” cụ thể là mỗi người Việt uống trung bình 6.6 lít cồn một năm. Nhưng đại diện Hiệp Hội Bia-Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam nói con số này “chỉ xếp thứ 94 thế giới.”

Tờ báo cũng cho hay trong lúc Bộ Y Tế thu thập ý kiến đóng góp về Dự Luật Phòng Chống Tác Hại Rượu Bia thì các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia “phản đối nhiều quy định trong dự luật, thậm chí cho rằng không cần thiết phải xây dựng luật.”

Theo báo Thanh Niên, báo cáo của Hiệp Hội Bia-Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỷ lít, tăng 6% so với năm 2016. Còn theo nghiên cứu mới đây của The Lancet (tạp chí y khoa của Anh), Việt Nam “nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á.” (T.K.)

Phần lớn người đi làm ở Mỹ hài lòng với công việc hiện tại

MỚI CẬP NHẬT