Friday, March 29, 2024

Grabbike ở Sài Gòn và nỗi buồn mưu sinh

Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Quán hủ tíu nằm trong một con hẻm nhỏ, vài chiếc bàn thấp lè tè với những chiếc ghế nhựa dã chiến, người ăn là những cư dân sinh viên nghèo ở trọ chung quanh, trước mặt tôi là một chàng thanh niên nhỏ bé với hàng ria xanh đang cúi xuống xì xụp vét đến tận cọng bún cuối cùng.

Tôi cảm giác như cơn đói của cậu ấy đang lan sang chính mình vì những động tác gấp gáp đã nói lên tất cả, dường như mọi thứ đều vô nghĩa ngay cả buổi sáng đang bắt đầu với những cơn nắng quái, những giọt mồ hôi tuôn ra ướt đẫm chiếc áo xanh.

Một chiếc áo màu xanh dương có hàng chữ Grabbike, dựng kế bên là một chiếc xe gắn máy Wave đời mới màu đỏ, hai thứ đó cho người ta biết rằng cậu ấy đang lái xe dịch vụ cho một hãng xe sử dụng công nghệ IT qua smartphone, một kiểu “xe ôm”  mới được ra đời cũng “mới toanh” trên thị trường “xe gắn máy thuê” ở Việt Nam.

Nếu trước đây bạn phải ra đến đầu hẻm hay phải đi đến một điểm cố định nào đó mới kiếm được một chiếc xe ôm – thì bây giờ chỉ cần nhá máy đến tổng dài của Grabbike là bạn sẽ có ngay một chiếc xe mới cáu – cùng với lái xe ăn mặc đàng hoàng lịch sự đến tận nhà rước bạn đi bất cứ đâu lúc nào.

Nó tiện dụng đến mức như một người nhà, khi bạn cần đến bất kể mưa gió – trên từng cây số họ cũng sẽ có mặt ngay – cùng với đủ mọi đồ phụ tùng như mũ bảo hiểm, áo mưa… thậm chí có cả dầu gió cho mấy tay bợm nhậu đang ngất ngưỡng quên đường về.

Trên đường mưu sinh. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Loại hình dịch vụ phổ biến ăn khách đến mức dân “xe ôm truyền thống” nghĩa là loại xe thồ “cổ điển” coi nó như một kẻ thù “và đã từng có những cuộc tranh giành bến bãi đến u đầu sứt trán” vì chúng hoạt động trên khắp mọi nẻo đường đến mức nhìn đâu cũng thấy màu áo xanh, không phải Grab thì cũng Uber.

Nó xâm chiếm nồi cơm của họ từ trong hẻm nhỏ ra đến ngoài lộ lớn, ngay các công sở lớn biệt thự to và hành khách của nó – thì đủ thành phần sang hèn đủ màu sắc – dù ban đêm hay ban ngày, lúc nào cần bạn hãy nhấn nút mobil là sẽ có ngay một bóng ma của Grab xuất hiện.

Giá cả thì sao? Khỏi lo, nó được tính bằng cây số hiển hiện trên smartphone, nó được kiểm tra chặt chẽ từ… máy chủ của tổng đài, mỗi một chiếc xe Grab chạy đi đâu, đến đâu… đều được hệ thống điện toán của trung tâm quản lý theo sát cho đến khi khách hoàn thành dịch vụ và thanh toán.

Với giá 3,800 đồng cho 1 cây số, đi bao nhiêu cây số tính bấy nhiêu, bất kể cung đường dài ngắn – 1,000 mét, 500 mét cũng chạy. Hãng xe sẽ khấu trừ 20% dịch vụ còn bao nhiêu chủ phương tiện lãnh hết, lời ăn lỗ chịu.

“Bọn em phải chịu mọi chi phí mỗi khi hỏng xe – đương nhiên ‘xăng nhớt’ bảo trì mình phải chịu luôn rồi, vậy nên chỉ mong có khách,” Tuấn cậu trai trẻ nói  – sau khi đã chén hết tô hủ tíu – lau mồ hôi ngồi than thở “hồi sáng giờ chỉ có được một cuốc xe 10 cây số được gần 40 ngàn.”

Tôi hỏi một ngày chạy được bao nhiêu chuyến. Tuấn trả lời, “không thể nói được – tất cả đều do trung tâm hãng xe điều chuyển. Thời gian gần đây có quá nhiều người gia nhập gia đình Grab, Uber, nên thị phần bị chia nhỏ, không còn chạy nhiều khách như trước nữa, mỗi tháng vòng quanh hộc gạch cũng chỉ được 3 triệu đồng.” Tôi nhẩm tính một con số quá khiêm tốn cho một cuộc mưu sinh dài ngày “nếu với cái đà nầy chắc em bỏ cuộc vì ai ai cũng cầm lái vì thất nghiệp nên cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt.” Tôi thoáng thấy nỗi lo âu trong mắt Tuấn, với một người trẻ thì đấy là một tương lai mịt mùng.

Một đất nước mà người người ra đường đầu quân chạy xe thuê cho Grab, Uber – thì đó là một dấu hiệu đang lo hơn là đáng mừng – vì nó cho thấy nền kinh tế của đất nước đó cũng không khá gì hơn với thân phận của những con người đang hàng ngày mưu sinh.

Mời độc giả xem phóng sự “Cuộc sống trong những chung cư cũ nát ở Sài Gòn”

MỚI CẬP NHẬT