Thursday, March 28, 2024

Hà Nội kêu gọi dân chúng ‘bỏ thói quen ăn thịt chó’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính quyền thành phố Hà Nội muốn dân địa phương bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo vì “tạo ra những phản cảm” đối với người ngoại quốc đến du lịch hay sống tại thành phố.

Một số báo tại Việt Nam đăng tải lại một thông báo của chính quyền thành phố Hà Nội hôm Thứ Ba, 11 Tháng Chín, 2018, thúc giục nhà cầm quyền cấp dưới tại quận, huyện, thị xã “tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo.”

Theo đó, các cấp địa phương phải “thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại; tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định. Khuyến khích việc đeo thẻ nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại.”

Sở Thông Tin Truyền Thông của thành phố được lệnh “tuyên truyền về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm; ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật để dần thay đối thói quen và nhận thức khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm, đảm bảo văn minh đô thị.” Từ Tháng Tư, 2018, thành phố Hà Nội cấm kinh doanh thịt chó “không có kiểm dịch thú y.”

Ăn thịt chó vốn là truyền thống của dân Bắc Kỳ từ bao đời qua, khuyến khích từ bỏ một thói quen đã ăn sâu vào máu không dễ. Thêm nữa, người ta còn tin ăn thịt chó để “xả xui,” tăng cường khả năng tình dục cho đàn ông. Tục ngữ có câu “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ không biết có không.”

Các món quen thuộc trên bàn ăn của dân ghiền thịt chó. (Hình: Zing)

Ngay tại Hà Nội, chính quyền thống kê thấy cả thành phố có khoảng 493,000 con chó, mèo, “trong đó, với mục đích nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87.5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm; có trên 1,000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.”

Trước cuộc di cư năm 1954 của dân Bắc vào Nam theo Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, dân miền Nam không ăn thịt chó. Có dân Bắc Kỳ vào thời VNCH, người ta thấy chỉ có một vài quán thịt chó ở khu Xóm Mới, Gò Vấp, và ở khu vực Hố Nai, Biên Hòa. Nhưng sau khi miền Nam sụp đổ, các quán thịt chó mọc lên nhanh chóng tại các tỉnh phía Nam, một phần cũng vì tình trạng thiếu thực phẩm, thiếu các loại thịt.

Khi bệnh dịch tả hoành hành nhiều nơi tại Việt Nam hồi năm ngoái, báo Người Lao Động ngày 7 Tháng Mười Một, 2017, cho hay: “Những ngày qua, mặc dù cả nước đang ‘nóng’ lên trước dịch tiêu chảy cấp liên quan đến mắm tôm, thế nhưng ở thành phố Cần Thơ, hầu như người dân vẫn ‘mù tịt’ trước thông tin này. Chính vì thế, các ‘phố thịt chó’ trong nội ô thành phố vẫn nườm nượp khách ra vào. Tại các quán ở ‘phố thịt chó’ đường Trần Văn Hoài, khách lai rai từ 8 giờ sáng đến tận 11 giờ đêm.”

Vì thịt chó vẫn thịnh hành, năm nào cũng thấy có tin người đi bắt trộm chó bị đánh chết tại nhiều địa phương.

Ngày 10 Tháng Giêng, 2018, hai người đi bắt trộm chó tại xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, bị dân làng bắt được, đánh hội đồng làm một người bị thương nặng và một người chết. Ngay tại Hà Nội, ngày 12 Tháng Mười, 2017, một người ăn trộm chó ở xã Hồng Thái, huyện ngoại thành Phú Xuyên, đã bị dân làng vây đánh chết.

Năm 2014, báo chí quốc tế rầm rĩ chuyện bắt giữ ở biên giới Thái-Lào chiếc xe tải chở hàng trăm con chó đang trên đường đưa về Việt Nam bán cho các nhà hàng thịt chó. Không có các con số thống kê chính thức nhưng theo sự ước lượng hồi đầu năm 2014 của Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á (ACPA), khoảng 5 triệu con chó bị ăn thịt hằng năm ở Việt Nam. (TN)

MỚI CẬP NHẬT