Thursday, April 18, 2024

Hai anh em ở Sài Gòn làm giả 1 tấn bằng cấp

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khám xét nơi ở của hai anh em ruột tại Sài Gòn, công an thu giữ khoảng một tấn phôi bằng cấp, chứng chỉ các loại và 1,200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc dùng để làm giả giấy tờ.

Trưa ngày 30 Tháng Tư, 2019, lãnh đạo Công An quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết vừa phá một đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ cực lớn do anh em Lê Văn Hoàng (34 tuổi) cùng em trai Lê Hoàng Phi (23 tuổi, cùng quê tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) cầm đầu, được làm tại quận Bình Tân (Sài Gòn), sau đó vận chuyển và tiêu thụ trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam.

Theo báo Zing, bước đầu hai anh em Hoàng, Phi khai nhận qua tìm hiểu trên mạng xã hội, Hoàng nắm bắt nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn nên đã tìm mua các loại phôi bằng, con dấu cùng các loại công cụ, máy móc để sản xuất bằng, chứng chỉ giả, với số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng ($4,292). Phi là người đóng dấu, ký các văn bằng, chứng chỉ giả, đồng thời là người vận chuyển.

Sau khi có phương tiện sản xuất, Hoàng lập trang web lambangdaihoc.com.vn để quảng cáo và giao dịch mua bán. Với mỗi tấm bằng giả bán được, Hoàng thu về từ 3-5 triệu đồng ($128 đến $214).

Con dấu giả bị thu giữ. (Hình: Thanh Niên)

Chỉ trong vòng một năm, đường dây của anh em Hoàng đã làm được hàng ngàn tấm bằng giả các loại của nhiều trường đại học, cao đẳng và tiêu thụ khắp các tỉnh thành ở Việt Nam.

Ngày 27 Tháng Tư, Công An quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giữ hai anh em Hoàng, Phi về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và truy bắt những người liên quan.

Trước đó, hồi cuối Tháng Tám, 2018, báo chí Việt Nam đã đưa tin, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Quảng Trị cũng đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thúy Hiền (31 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) 3 năm tù và Nguyễn Bảo Hòa (25 tuổi, quê Tây Ninh, tạm trú quận Tân Bình, Sài Gòn) 1 năm tù cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,” sau khi các khách hàng của bà Hiền là 13 cán bộ xã, thuộc huyện Hướng Hóa bị tố cáo xài bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả. Bà Hiền đã nhận tổng cộng 182 triệu đồng ($7,814) từ những người này.

Công luận đặt vấn đề, gian dối trong việc dùng bằng cấp giả nếu bị phát hiện không chỉ mất hết danh dự, đạo đức mà còn có thể bị xử lý theo pháp luật. Thế nhưng hiện nay ở Việt Nam nhiều người vẫn bất chấp. Phải chăng đây là hệ quả của một xã hội, một thị trường lao động luôn đặt nặng học vị, bằng cấp hơn kỹ năng của người lao động? Nhưng dù thế nào thì với lương tri, con người liệu có thể viện lý do vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo để bào chữa cho việc dùng bằng giả? (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT