Tuesday, April 23, 2024

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca về tới Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngoài lô vaccine của AstraZeneca (Anh) vừa nhập về, Việt Nam đang đàm phán tiếp và có thể mua được 30 triệu liều vaccine Pfizer (Mỹ). Số vaccine mà Việt Nam mua và được viện trợ sẽ đủ nhu cầu chích ngừa trong năm 2021.

Theo báo Tuổi Trẻ, trưa 24 Tháng Hai, lô vaccine với 117,600 liều đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều mà AstraZeneca đã ký với Bộ Y Tế và Hệ Thống Tiêm Chủng VNVC đã về tới Việt Nam qua phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Như vậy, ngoài bốn đơn vị trong nước đang “chạy đua” sản xuất vaccine, Việt Nam chính thức có vaccine nhập cảng sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.

Lô vaccine ngừa COVID-19 vừa về tới Việt Nam trưa 24 Tháng Hai. (Hình: Duyên Phan/Tuổi Trẻ)

“Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, VNVC sẽ triển khai chích ngừa vaccine trên toàn hệ thống. Chúng tôi dự kiến giá vaccine COVID-19 cũng sẽ rất ưu đãi trong thời kỳ đại dịch để nhiều người dân có cơ hội được chích phòng bệnh sớm,” bà Vũ Thị Thu Hà, giám đốc cung ứng VNVC, nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y Tế, đầu Tháng Ba tới sẽ bắt đầu cho chích lô vaccine này. Theo đó, sẽ có 11 nhóm ưu tiên gồm nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an… sẽ được chích đầu tiên.

“Bộ Y Tế đang nỗ lực để triển khai chích ngừa. Có thể nói rằng Việt Nam triển khai trong đợt này là đợt chích ngừa lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y Tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia để đẩy nhanh tiến độ chích, bảo đảm độ bao phủ,” ông Long nói.

Đối với vaccine trong nước, ông Long cho biết thêm các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine.

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn hai trong tuần này và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt,” ông Long cho biết.

Tính đến chiều tối 24 Tháng Hai, Bộ Y Tế CSVN đã ghi nhận thêm 11 ca mới lây nhiễm cộng đồng đều ở Hải Dương, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,412 người.

Báo VNExpress cho hay trong đó sáu ca tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, là người trong vùng phong tỏa; hai ca tại huyện Cẩm Giàng là F1 của ổ dịch cũ được cách ly tập trung trước đó; một ca tại huyện Thanh Hà được phát hiện thông qua sàng lọc, đã được cách ly, hai ca là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại công ty Poyun, thành phố Chí Linh… Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại bệnh viện Dã Chiến số 2 và bệnh viện Đại Học Kỹ Thuật Y Tế Hải Dương.

Như vậy, từ hôm 28 Tháng Giêng đến 24 Tháng Hai, Bộ Y Tế đã ghi nhận 820 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (636), Quảng Ninh (61), Sài Gòn (36), Hà Nội (36), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi nơi hai và Hà Giang một ca.

 

Chốt kiểm soát dịch bệnh liên ngành của Hải Phòng trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Hình: Giang Chinh/VNExpress)

Liên quan đến dịch bệnh, ngày 24 Tháng Hai, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng quyết định lập thêm hai khu cách ly tập trung với 800 giường đều đặt ở quận Hồng Bàng, nhằm “chuẩn bị cho kịch bản COVID-19 lan rộng.”

Với hai khu mới, Hải Phòng có 11 khu cách ly tập trung, tổng số 3,700 giường và đang lên phương án lập thêm năm khu nữa với 1,700 giường. Ngoài ra, thành phố còn 11 điểm cách ly tập trung cho chuyên gia ngoại quốc với 1,126 giường. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT