Saturday, April 20, 2024

Hải sản chết đồng loạt ở Kiên Giang

KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Càng ngày, phạm vi các loại cá, nghêu, sò… phơi thây càng rộng, lan khắp vùng bờ biển vịnh Hà Tiên. Hiện chiều dài đoạn bờ biển bị ô nhiễm khiến các loại hải sản đồng loạt chết đã lên tới 30 cây số.

Đó là điều ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Kiên Giang, xác nhận với báo Tuổi Trẻ hôm 11 Tháng Năm.

Vào thời điểm đó, người ta thấy xác các loại cá sống ở tầng nước mặt như cá bống, cá sơn, cá suốt… tấp vào bờ. Kế đó các loại hải sản sống ở tầng nước sát đáy biển như cua, ghẹ, lịch, tôm tít,… cũng chết. Tuy nhiên đáng ngại nhất và gây thiệt hại lớn nhất là nghêu, sò,… sống vùi trong cát sát bờ biển cũng chết.

Tờ Tuổi Trẻ mô tả, xác nghêu, sò trắng xóa đoạn bờ biển chạy dọc quốc lộ 80, mùi tanh lan khắp bãi biển. Nhiều sạp chuyên buôn bán hải sản tươi sống dọc quốc lộ 80 đã đóng cửa. Tình trạng hải sản chết hàng loạt đã lan từ phường Tô Châu thuộc thị xã Hà Tiên đến xã Bình An thuộc huyện Kiên Lương.

Đoạn bờ biển vừa kể là nơi dân chúng Kiên Giang kiếm sống bằng việc nuôi nghêu, sò và các loại cá (bóp, bống mú,…) trong lồng. Hải sản chết hàng loạt như thế sẽ có hàng ngàn gia đình phá sản, hàng chục ngàn người mất kế sinh nhai.

Ông Chung Sỹ, người có bốn lồng với 1,200 con cá bống mú, 500 con cá bóp ở ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, cho hay cả tuần nay nước biển đột nhiên từ xanh trong, thành xanh đục, có pha vàng nhạt. Chưa bao giờ ông thấy nước biển có màu như thế.

Giống như giai đoạn đầu của thảm họa cá chết trắng bờ biển miền Trung hồi Tháng Tư năm ngoái, chính quyền tỉnh Kiên Giang vẫn chưa làm gì cả.

Các viên chức cấp xã, cấp huyện như ông Lý Thái Hưng, trưởng phòng Kinh Tế thị xã Hà Tiên, chỉ khuyến cáo dân chúng thiêu hủy, không mua bán các loại hải sản và tìm vùng nước sạch để chuyển những lồng nuôi hải sản đến đó.

Ông Phạm Vũ Hồng, chủ tịch tỉnh Kiên Giang, thông báo đã cử các cơ quan chuyên môn đi “nắm tình hình” và chỉ đạo Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh lấy mẫu nước gửi đi kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân và hứa “sẽ thông báo ngay khi có kết quả.”

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Văn Tâm khuyến cáo báo chí, các thông tin về nguyên nhân khiến các loại hải sản đồng loạt chết đều là phỏng đoán. Trước khi tìm ra nguyên nhân chính xác, báo chí phải hết sức thận trọng trong thông tin, tránh làm dư luận hoang mang không cần thiết. (G.Đ)

Mời độc giả xem điểm tin buổi sáng ngày 11 tháng 5 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT