Thursday, March 28, 2024

Hàng ngàn gia đình ở Thừa Thiên Huế bị lừa cho dùng nước bẩn

THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn gia đình ở các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, thị trấn Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tức giận khi bị công ty Cấp Nước Thừa Thiên Huế lừa bán nước sạch chứa đầy chất bẩn để dùng.

“Tôi hứng một chậu nước, để khoảng một tiếng sau thì nó lắng xuống bên dưới một lớp cặn như bùn trông ghê lắm. Tình trạng như thế này hỏi làm sao không bệnh tật. Chúng tôi đề nghị công ty Cấp Nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) phải có lời giải thích và có trách nhiệm với sức khỏe khách hàng,” anh Trương Đ., ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, bất bình nói với báo Phụ Nữ TP.HCM.

Chất bẩn từ nguồn nước sạch do công ty cấp nước Thừa Thiên Huế bán cho người dân sử dụng. (Hình: Thuận Hóa/Phụ Nữ TP.HCM)

Sau thời gian dài nhận thấy nước máy sinh hoạt hằng ngày do Nhà Máy Nước Chân Mây thuộc HueWACO “có vấn đề,” người dân ở hai xã Lộc Thủy và Lộc Tiến đã dùng khăn sạch hứng nước tại các vòi nước xài trong nhà để kiểm tra phẩm chất nước.

Sau khi nước chảy qua khăn chừng vài phút, chiếc khăn xuất hiện lớp cặn bẩn bám trên bề mặt, màu không khác gì dầu nhớt xe đã qua sử dụng.

Trong khi đó, người dân tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, cũng không khá hơn khi phải dùng “nước sạch” nhưng lại có màu vàng hoặc đen như màu nhớt.

Cùng cảnh ngộ, người dân ở thị trấn Lăng Cô cũng bị cho xài nước máy nhiễm bẩn tương tự như các nơi trong huyện, trong khi vẫn phải trả tiền giá nước sạch, khiến người dân vô cùng tức giận.

Tin cho biết ngày 26 Tháng Bảy, một người dân tại xã Lộc Tiến đã tự đi tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện ra Nhà Máy Nước Chân Mây đã cho lắp đặt hệ thống ống dẫn, bể lắng và một số hạng mục, thiết bị khác để lấy nước từ sông Thừa Lưu đem bán cho người dân, thay vì lấy nước từ khe suối Bồ Gè.

Thông tin này khiến hàng chục ngàn người đang xài “nước sạch” của HueWACO tại bốn xã, thị trấn trong huyện Phú Lộc bất bình phản đối, bởi vì sông Thừa Lưu là dòng sông đang bị ô nhiễm nặng do nằm gần khu vực có mỏ đá nổ mìn, gần đồng ruộng thường bị phun thuốc bảo vệ thực vật; có lưu vực sông không rộng nên lượng rác nhiều rất dơ bẩn. Điều đáng nói hơn nữa là khi làm việc này, công ty HueWACO đã có tình giấu, không thông báo nhằm qua mặt khách hàng.

Trước sự phản ứng kịch liệt của người dân, HueWACO đã ra thông cáo cho biết “công ty đã nhận được chín ý kiến phản ánh mạng cung cấp nước sạch của một số khu vực thuộc xã Lộc Thủy, Lộc Tiến… xảy ra tình trạng nước đục, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khách hàng về sự việc ‘đáng tiếc’ này.”

“Nhà Máy Nước Chân Mây hiện có năm bể lọc, trong đó có một bể lọc đã xuống cấp, mục rữa phần bê tông bên trong mép tường của đáy bể lọc, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng này vào bể chứa. Do phần hư hỏng nằm ở đáy bể lọc với độ sâu 2 mét, chúng tôi không phát giác kịp thời nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc này,” ông Tôn Thái Hà, phó giám đốc Xí Nghiệp Hương Phú thuộc HueWACO, biện minh.

Trong khi đó, giải thích việc lấy nước ô nhiễm ở sông Thừa Lưu để cung cấp cho hàng ngàn gia đình, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất nước công ty HueWACO, cho rằng do “tranh chấp nguồn nước” nên công ty không thể khai thác nguồn nước từ Khe Thầy.

Nhà Máy Nước Chân Mây lừa dân hút nước từ sông Thừa Lưu ô nhiễm đem bán. (Hình: Thuận Hóa/Phụ Nữ TP.HCM)

Vì vậy, trước tình trạng “biến đổi khí hậu” gây nên các hiện tượng cực đoan làm phẩm chất nguồn nước suy giảm và không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy vào mùa khô hạn, nên HueWACO đã sử dụng thêm nguồn nước sông Thừa Lưu bơm lên bể điều tiết, hòa với nước nguồn từ Khe Mệ, Bàu Ghè nhằm tăng lưu lượng nước để bảo đảm phẩm chất nước đầu ra.

“Đây sẽ là bài học kinh nghiệm lớn trên hành trình xây dựng chiến lược cấp nước an toàn, an ninh nước và hướng đến dịch vụ hoàn hảo mà HueWACO phải nhìn nhận và hoàn thiện để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất,” ông Tuấn nhận lỗi theo “bài bản” của cán bộ CSVN. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT