Saturday, April 20, 2024

Hàng ngàn người Việt Nam ký tên phản đối ‘Luật An Ninh Mạng’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 7 Tháng Sáu, cộng đồng mạng đang phát động phong trào ký các thỉnh nguyện thư phản đối Luật An Ninh Mạng sắp được Quốc Hội CSVN ấn nút thông qua hôm 12 Tháng Sáu.

Trước đó, dự luật này bị nhiều blogger đưa bằng chứng cáo buộc là “sao y bản chính” với một luật cùng tên năm 2016 tại Trung Quốc nhằm giúp Bắc Kinh siết chặt và trấn áp những ý kiến bất đồng trên mạng xã hội.

Việc đảo ngược quyết định thông qua Luật An Ninh Mạng trong vòng một tuần được xem là “gần như không thể” trong bối cảnh giới chức Bộ Công An CSVN nhất quyết phải ra được luật.

Báo Thanh Niên hiện đã phải gỡ link bài “Cựu Bộ Trưởng Khoa Học Công Nghệ Đặng Hữu gửi quốc hội bốn khuyến nghị về Luật An Ninh Mạng” đăng hôm 4 Tháng Sáu.

Trên website Change.org hiện có ít nhất hai thỉnh nguyện thư cùng nội dung phản đối Luật An Ninh Mạng, tính đến tối 7 Tháng Sáu đã thu hút khoảng 11,000 lượt ký tên.

Một thỉnh nguyện thư trong số này viết: “Dự Luật sửa đổi An Ninh Mạng muốn kiểm soát 100% thông tin người dùng, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt hệ thống dữ liệu tại Việt Nam. Việc này có thể buộc các doanh nghiệp như Facebook, Google, Youtube, Viber, WhatsApp… rời khỏi Việt Nam. Trong khi đó, các hãng Trung Quốc sẽ đổ bộ độc quyền vào Việt Nam như WeChat, Taobao… Mong các bạn hãy share mạnh thỉnh nguyện thư này hơn nữa để chống việc hợp thức hóa việc kiểm soát thông tin cá nhân, bóp nghẹt không gian mạng của người Việt Nam!”

Những người soạn thỉnh nguyện thư còn lại nhấn mạnh: “Dự Luật An Ninh Mạng tiềm ẩn khả năng vi phạm các quyền căn bản của công dân, cụ thể như sau: Cản trở quyền tự do ngôn luận khi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng nếu thông tin bị xác định là ‘xấu’, ‘độc’ theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp và lưu vết thông tin đó để cung cấp cho cơ quan chấp pháp. Trong khi đó các loại thông tin xấu được liệt kê rất mơ hồ, không có quy định hay thủ tục cụ thể để công dân có cơ hội bảo vệ ý kiến của mình trong một quy trình công bằng và minh bạch.”

Trang Luật Khoa Tạp Chí nhận định: “Chưa có dự thảo luật nào như Luật An Ninh Mạng khiến đích thân chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội, đơn vị thẩm tra dự luật, có đến hai lần trong cùng một bài phát biểu đề nghị Quốc Hội ‘giữ nguyên toàn văn dự thảo’ mà không có một chỉnh sửa nào, bất chấp rất nhiều phản ứng từ các đại biểu. Nói thế mới thấy an ninh mạng trở thành ưu tiên rất lớn của nhà nước Việt Nam. Không lạ khi Dự Luật An Ninh Mạng đã dùng đến những thuật ngữ tưởng như chỉ xuất hiện trong thời chiến như ‘chiến tranh thông tin’, ‘tác chiến điện tử’…”

“Chuẩn mực của nhà nước pháp quyền là quyền tự do của cá nhân, cho dù là cá nhân phạm tội, nếu có bị tước đi thì phải do tòa án quyết định. Không có một lý do nào giải thích được cho điều này trong Dự Luật An Ninh Mạng, ngoài một lý do, đó là ý đồ giám sát quần chúng dưới danh nghĩa an ninh quốc gia,” theo website nêu trên.

Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Nghiên cứu kỹ Dự Luật An Ninh Mạng sắp được Quốc Hội ‘bấm nút’, tôi xin chia buồn đến Bộ Thông Tin Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo. Sau khi luật này có hiệu lực, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ chiếm hết quyền lực của mấy cơ quan này. Từ nay, các đồng chí chuyên trách này chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin, vỗ vai các báo điện tử và các công ty quản lý mạng xã hội phải gỡ bỏ những thông tin mà các đồng chí cho rằng xâm phạm luật này, bao gồm cả những thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức! Quyền ‘yêu cầu’ này đến nay vẫn thuộc quyền của Bộ Thông Tin Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo. Quyền này nghe nói cũng có thể quy ra cái gì đó (tôi không nắm rõ thị trường này, bạn nào rõ hơn xin thông tin). Thôi nhé, hết quyền rồi thì cũng cần được thu gọn, sáp nhập theo đúng chính sách cải cách của đảng và nhà nước!” (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT