Thursday, March 28, 2024

Hàng trăm người ký kháng thư phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trang Thanh Niên Công Giáo hôm 24 Tháng Mười Hai thông báo chỉ sau 24 giờ từ lúc kêu gọi, họ đã thu thập được tên của 600 cá nhân ký vào một kháng thư phản đối bản án đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga, tự Thúy Nga, người vừa bị y án 9 năm tù, 5 năm quản chế trong phiên tòa phúc thẩm hôm 22 Tháng Mười Hai tại Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Nam.

Trang Thanh Niên Công Giáo nói họ “nhận được ủy quyền làm đầu mối trong việc liên lạc và tiếp nhận thông tin phản hồi về việc ký kháng thư” và mục tiêu là “đủ 1,000 người ký” trước khi gửi kháng thư. Trong danh sách 100 người ký tên ban đầu vào văn bản này có các vị: Linh Mục Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Duy Tân, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Anh Tú, Dương Đại Triều Lâm, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Thúy Hạnh, cựu Phó Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Giải Phóng Kha Lương Ngãi, cựu phóng viên báo Thanh Niên Huỳnh Ngọc Chênh…

Bà Nga bị khép tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự CSVN. Trước khi bị bắt hồi Tháng Giêng, 2017, bà từng bị chính quyền cho người sách nhiễu dưới các hình thức: canh giữ, đeo bám, ngăn cản quyền tự do đi lại, cướp tài sản… Bà từng lên tiếng cáo buộc việc mình “nhiều lần bị xúc phạm nhân phẩm, bị đánh đập đến tàn phế” chỉ vì bà bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động gây hấn của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam và lên án những hành vi chà đạp pháp luật, áp bức dân lành của chính quyền Hà Nội.

Vợ chồng nhà hoạt động Trần Thị Nga trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. (Hình: Facebook ông Lương Dân Lý, chồng của bà Trần Thị Nga)

Theo báo điện tử Dân Trí hôm 22 Tháng Mười Hai, tại phiên tòa phúc thẩm, Trần Thị Nga “không thừa nhận hành vi phạm tội” nhưng Hội Đồng Xét Xử “không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Trần Thị Nga phạm tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước…”

Hồi Tháng Hai, 2017, đã có 816 cá nhân và 30 tổ chức xã hội dân sự ký tên đòi trả tự do cho bà Trần Thị Nga nhưng không thành công.

Đến nay, hình thức gửi “kháng thư” đòi phóng thích tù nhân lương tâm, phản đối sự đàn áp tự do tôn giáo, bạo hành của công an… ở Việt Nam thường chỉ có một chiều của người gửi và chính quyền thường không hồi đáp. Tuy vậy, hồi Tháng Tư, 2017, báo Quân Đội Nhân Dân có bài đề cập hình thức này: “Khi chính quyền thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng (bài báo dùng từ này để mô tả “những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo”) vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp, bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát trên mạng xã hội “Thư ngỏ,” “Bản lên tiếng,” “Kháng thư”… với nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa, “đàn áp, đánh đập” những người đi khiếu kiện đòi quyền lợi, kêu gọi người dân khởi kiện Formosa ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, “cùng đứng lên đuổi Formosa khỏi Việt Nam”.

Theo thống kê của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW), hiện nay tại Việt Nam, có hơn 100 nhà hoạt động đang bị giam giữ chỉ vì họ đã thực thi các quyền tự do căn bản, như tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT