Friday, March 29, 2024

Hàng triệu người lao động Việt Nam ‘lương không đủ sống’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công nhân lao động tại Việt Nam dù chấp nhận trăm điều cay cực, kể cả làm thêm nhiều giờ, nhưng vẫn không đủ sống với số tiền lương ít ỏi được trả hàng ngày.

Một bản báo cáo mới được phổ biến hồi cuối tuần qua của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nhìn nhận thực tế phũ phàng này dù đảng CSVN luôn luôn xưng tụng giới công nhân là nền tảng, là xương sống của chế độ.

Qua một cuộc khảo sát do Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam công bố ngày 12 Tháng Bảy, người ta thấy có đến 26.5% công nhân phải “chi tiêu tằn tiện và kham khổ,” trong khi 12.5% có “thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ,” theo tờ Người Lao Động tường thuật hôm Thứ Sáu.

Gộp cả hai nhóm vừa kể lại thành 39% trong số hàng triệu công nhân lao động có đời sống “bấp bênh.”

Kết quả cuộc khảo sát dựa vào “phiếu lấy ý kiến” 3,008 người lao động tại 150 doanh nghiệp tại 25 tỉnh và thành phố trên cả nước “có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Cần Thơ, ngành xây dựng, tổng công ty Đường Sắt Việt Nam…”

Tờ Người Lao Động còn viết thêm rằng “Cuộc khảo sát bảo đảm cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động.”

Trong bản báo cáo khảo sát đó, chi tiêu tối thiểu của người lao động cần phải có 6.5 triệu đồng (hay khoảng $280) một tháng trong khi họ chỉ được trả lương trung bình có 4.7 triệu đồng (hay khoảng $200) mỗi tháng.

Đi vào chi tiết hơn, bản khảo sát nói 17.4% công nhân cho biết họ kiếm được “nhiều hơn để sống,” có 43.7% công nhân nói chỉ kiếm được “vừa đủ trang trải cho cuộc sống,” trong khi 26.5% “phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ,” và 12.5% cho biết “thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.”

Người ta không biết bản khảo sát khi được công bố trên mặt báo có bao nhiêu phần là sự thật. Bình thường, vì nhu cầu tuyên truyền, các con số thống kê, cái gì xấu thường bị cắt bớt và thổi phồng lên cái gì tốt, theo nguyên tắc vo tròn bóp méo. Nhưng ít nhất, qua đó, người ta thấy hoàn cảnh sống của giới công nhân lao động tại Việt Nam từ khi chế độ tiến hành “Đôi mới” từ giữa thập niên 1980 đến nay, hơn 30 năm qua, vẫn trầy trật kiếm sống trong khi ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hô hào đất nước tiến lên “đón bắt công nghệ 4.0.”

Cái tổ chức “Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam” là một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, do một đảng viên cấp cao cầm đầu nên không bảo vệ công nhân lao động. Hàng ngàn các cuộc đình công đòi tăng lương hay chống sự cư xử độc ác của giới chủ nhân đều do chính giới công nhân “tự phát” đứng lên. Các tổ chức công đoàn do đảng CSVN cài cắm vào các xí nghiệp không bao giờ cầm đầu hay khuyến khích công nhân đình công đòi quyền lợi.

Trước tình hình khốn khó như thế, theo tờ Người Lao Động, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam kiến nghị chế độ Hà Nội tăng lương 8% cho công nhân để họ bớt cơ cực, nhưng không rõ sẽ được đáp ứng thế nào.

Hồi Tháng Ba vừa qua, tổ chức Liên Hiệp Quốc dựa trên báo cáo về lao động do hai tổ chức phi chính phủ là Trung Tâm Nghiên Cứu Về Giới, Gia Đình và Môi Trường trong Phát Triển (CGFED) và Sáng Kiến Phát Triển Mở (IPEN) đả kích chế độ Hà Nội không có chính sách phù hợp để bảo vệ giới công nhân trong các môi trường làm việc độc hại. (TN)

MỚI CẬP NHẬT