Tuesday, April 23, 2024

Hàng vạn người biểu tình khắp Việt Nam chống ‘Luật Đặc Khu’ và ‘An Ninh Mạng’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng vạn người đồng loạt xuống đường tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Tiền Giang… để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, hôm 10 Tháng Sáu, 2018, xảy ra đụng độ với cảnh sát và nhiều người bị bắt.

Người dân xuống đường biểu tình với băng rôn và những tấm biểu ngữ bày tỏ sự chống đối mạnh mẽ với hai dự luật được đảng CSVN muốn cho thông qua ở kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra.

Phản ứng đồng loạt tại nhiều địa phương với số lượng người tham dự nhiều gấp nhiều lần so với cuộc biểu tình cách đây bốn năm khi có sự đối đầu giữa lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng Trung Quốc ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa hay hai năm trước là cuộc biểu tình chống Formosa.

Không những tin tức, hình ảnh, video clip được các Facebookers phổ biến nhanh chóng trên các mạng xã hội, báo chí của chế độ như VNExpress, Tuổi Trẻ, Người Lao Động rất nhiều giờ sau mới đưa tin và hình ảnh nhưng, dĩ nhiên, với cung cách không phải hậu thuẫn cho những người biểu tình.

Dân Hà Nội biểu tình ngày 10 Tháng Sáu, 2018 chống dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” và dự luật “An Ninh Mạng.” (Hình: AFP/Getty Images)

Hình ảnh của các đoàn biểu tình người ta thấy nổi bật nhất là băng rôn “Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày” cùng với những khẩu hiệu khác như “Phản đối Luật Đặc Khu,” “Trung Quốc cút khỏi Việt Nam”…

Rõ ràng, người dân nghi ngờ nhà cầm quyền có dấu hiệu đưa ra dự luật “Ðặc Khu Kinh Tế” với thời hạn cho thuê đất 99 năm, làm đầu cầu cho người Trung Quốc ùn ùm kéo nhau sang Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) biến một phần những nơi quan yếu ở cả ba miền đất nước Việt Nam thành những kiểu “tô giới” cha truyền con nối. Có những người còn nói tới nguy cơ mất nước, họa Bắc thuộc tái diễn.

Người biểu tình tại Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu cầm theo nhiều biểu ngữ cảnh báo mất nước, phản đối cho Trung Quốc thuê đất. (Hình: Facebook Hien Luong)

Theo dõi các cuộc bàn cãi tại Quốc Hội CSVN cũng như tin tức các hệ thống truyền thông quốc tế, đồng thời chia sẻ nhau trên mạng xã hội, cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật diễn ra chỉ hơn một ngày sau khi Quốc Hội CSVN và chính phủ “nhất trí” lùi việc thông qua dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” tới kỳ họp cuối năm, trong khi dự luật “An Ninh Mạng” vẫn thấy chuẩn bị cho thông qua vào ngày 12 Tháng Sáu, 2018 bất chấp chống đối.

Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều địa điểm như trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Nhà thờ Đức Bà, trước tòa đại sứ Mỹ, khu vực lăng Cha Cả, làm lưu thông xe cộ gián đoạn.

Có ghi nhận tại các điểm nóng diễn ra biểu tình có hiện tượng phá sóng điện thoại, chặn Facebook…

Riêng tại khu vực công viên Gia Định, nơi trang “Đô Thành Sài Gòn” đưa ra lời kêu gọi biểu tình từ mấy hôm trước, an ninh được siết chặt triệt để với hàng trăm cảnh sát cơ động và công an mặc thường phục được bố trí dày đặc khiến ngả đường vào phi trường Tân Sơn Nhất gần như bị cô lập, người đến và đi từ phi trường chỉ còn cách đi bộ.

Đáng lưu ý, hầu hết người xuống đường là những gương mặt mới, chứ không phải là những nhân sĩ, trí thức quen thuộc tại các cuộc biểu tình những năm trước. Điều này có thể hiểu là các nhân vật được nhiều người biết đều đã bị chặn cửa nhà từ đêm hôm trước.

Bà Phan Thị Châu, cựu phóng viên báo Phụ Nữ ở Sài Gòn, một trong những người xuống đường hôm 10 Tháng Sáu, tường thuật trên trang Facebook cá nhân: “Dòng người rất đông đổ về khu nhà thờ Đức Bà với đầy đủ loa, biểu ngữ phản đối. Cuộc biểu tình lần này lượng người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ dạng tiểu thương khá đông. Họ rất hăng hái vung tay, hát hò, phản đối lẫn la hét đến khản cổ.”

Tại Hà Nội, hàng ngàn người đã tập trung biểu tình tại khu vực hồ Hoàn Kiếm với rất nhiều biểu ngữ. Các cuộc biểu tình cũng đã thấy xảy ra tại nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Vinh, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương.

Báo mạng VNExpress cũng phải nhìn nhận: “Nhiều khu vực ở Sài Gòn, Khánh Hòa, Bình Thuận… hôm nay tê liệt vì nhiều người tụ tập phản đối dự thảo Luật Đặc Khu Kinh Tế, trong khi dự luật này đã được hoãn thông qua.”

VNExpress mô cả cảnh biểu tình ở Sài Gòn: “Từ sáng sớm, đông nghịt người tụ tập ở công viên Hoàng Văn Thụ, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và nhiều tuyến đường xung quanh như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn… Đến trưa, dòng người ngày càng đông khiến giao thông quanh khu vực sân bay tê liệt. Nhiều hành khách phải kéo vali chạy bộ cả cay số vào sân bay, không ít người trễ chuyến. Hãng hàng không Vietnam Airlines sau đó phát thông báo khuyến nghị hành khách chủ động thu xếp thời gian ra sân bay sớm nhất có thể, đặc biệt tránh di chuyển qua trục đường Trường Sơn để đảm bảo đi lại không bị chậm trễ.”

Một trong những tấm ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội hôm 10 Tháng Sáu. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)

Facebooker “Nha Trang Ngày Về” viết về cuộc biểu tình tại Nha Trang: “Chung sức cùng cả nước, lúc 8 giờ 30 sáng ngày 10 Tháng Sáu, 2018, phản đối dự luật Đặc Khu và dự luật An Ninh Mạng, hàng nghìn, hàng nghìn người yêu nước cầm cờ Việt Nam và biểu ngữ diễu hành đi bộ và xe máy dọc đường ven biển Trần Phú.

Khu vực ngã 6 nhà thờ đá cũng đông nghẹt. Đến 10 giờ trưa, tại đường 2 Tháng Tư vẫn còn biểu tình, nghẹt đường Trần Phú ở đoạn C.A tỉnh và đài truyền hình. Công an, xung kích, xe bít bùng… bố trí ở khu vực quảng trường mùng Hai Tháng Tư, nhưng không ngăn cản nổi dòng thác người biểu tình đông áp đảo.”

Báo địa phương của tỉnh Khánh Hòa thì gọi cuộc biểu tình của dân chúng là “đáng tiếc.”

Đặc biệt, người dân tham gia cuộc biểu tình tại tỉnh Bình Thuận đã xông vào chiếm trụ sở “Ủy Ban Nhân Dân” tỉnh. Người ta cũng thấy một số video clip dân và cảnh sát cơ động ném gạch đá lẫn nhau. Có clip cho thấy cảnh một số thanh niên “đấu gậy” với cảnh sát cơ động và nhóm cảnh sát cơ động bị dồn vào bên cạnh một chiếc xe tải tại thị xã Phan Rí.

Tờ Tuổi Trẻ mô tả “điểm nóng tụ tập đông người trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong bày tỏ thái độ về dự thảo luật về đặc khu chưa được vãn hồi thì nhiều người đã quá khích tràn vào UBND tỉnh Bình Thuận tại thành phố Phan Thiết” để “la hét, đốt phá.”

Họ đã bị đàn áp bằng “phun vòi rồng” nhưng “tình hình càng lúc càng phức tạp” tờ Tuổi Trẻ viết: “Đỉnh điểm vào tối cùng ngày, nhiều người xô cổng, đập bể cửa kính vọng gác bảo vệ và lao vào đốt xe trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Các đối tượng quá khích liên tục ném đá vào bên trong các phòng ban.”

Tờ Tuổi Trẻ cũng nói vì cuộc biểu mà quốc lộ 1 qua khu vực Phan Rí, Phan Thiết bị kẹt từ trưa cho đến chiều tối, trong khi nhiều chuyến bay ở Sài Gòn cũng bị bỏ trống nhiều ghế vì hành khách không vào kịp giờ bay.

Xe “công vụ” bị nhóm người xuống đường đập phá ở Bình Thuận. (Hình: VNExpress)

Không biết đích xác có bao nhiêu người biểu tình đã bị bắt, nhưng qua nhiều nguồn tin khác nhau, phải hàng chục người nếu không phải là hàng trăm. Trên Facebook cũng thấy tấm hình một người biểu tình đã bị đánh gãy răng, máu chảy đầy áo phía trước. Tất cả những Facebooker tham gia đấu tranh dân chủ tại Việt Nam được nhiều người biết, đều bị công an canh giữ chặt chẽ tại nhà từ ngày hôm trước.

Hãng tin nhà nước TTXVN đưa tin công an Bình Dương bắt giữ các ông Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê Thanh Hoá) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê Nghệ An) vì “in tài liệu, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự.”

Họ bị cáo buộc “lợi dụng việc Quốc hội bàn về quy định cho thuê đất 99 năm làm đặc khu kinh tế, để in nhiều tờ rơi xuyên tạc sự thật. Thời điểm bị bắt quả tang, Huệ đang rải tờ rơi tại khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần. Cảnh sát thu giữ hàng nghìn tài liệu với nội dung kêu gọi người dân biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế.” Đồng thời, trong ngày 9 Tháng Sáu, công an Sài Gòn cũng bắt “một số người có hành vi tương tự.”

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn ngấm ngầm. Hà Nội ở thế yếu nên chỉ đưa ra những lời phản đối gián tiếp hay chung chung trong khi Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự khổng lồ cả ở Hoàng Sa và Trường Sa, khống chế toàn bộ Biển Đông. Người dân Việt Nam bầy tỏ thái độ bất mãn qua cuộc biểu tình. (TN-TK)

Việt Nam hoãn thông qua Luật Đặc Khu

MỚI CẬP NHẬT