Friday, April 19, 2024

Hệ thống tư pháp Việt Nam tạo án oan, công khố mất 10 tỷ để bồi thường

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Theo báo điện tử VietNamNet, Tòa Án tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ Tài Chính vừa có văn bản “đồng ý bổ sung dự toán ngân sách năm 2017 từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách trung ương” để bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén và gia đình.

Cách nay 19 năm, vào một đêm của Tháng Tư, 1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bị giết, hung thủ lấy của bà một chiếc nhẫn vàng 24K. Tháng sau, trong một cuộc nhậu, ông Nén nói đùa ông là hung thủ rồi bị công an bắt khẩn cấp. Trong tù, ông nhận tội nhưng tại tòa, ông kêu oan và giải thích, sở dĩ ông nhận tội vì bị tra tấn. Tố cáo của ông không được xét, ông bị phạt chung thân.

Chuyện vẫn chưa ngừng ở đó. Hồi Tháng Năm, 1993, năm năm trước ngày bà Bông bị giết, xã này từng có một phụ nữ tên Dương Thị Mỹ bị giết. Công an không tìm ra thủ phạm. Trong tù, ông Nén đột nhiên nhận thêm, ông còn là thủ phạm giết bà Mỹ. Giúp ông thực hiện vụ án mạng này là tám thành viên trong gia đình của vợ ông. Cũng vì vậy, toàn bộ gia đình bên vợ ông bị bắt. Một trong tám người chết trong tù.

Bất chấp phân tích của các luật sư và báo giới về những điểm phi lý trong kết luận điều tra của công an và cáo trạng của Viện Kiểm Sát, cũng như lời kêu oan, tố giác bị tra tấn để buộc phải nhận tội của các bị cáo, tòa án vẫn xác định họ là đồng phạm, phạt bảy người còn lại trong gia đình vợ của ông nhiều mức hình phạt khác nhau. Riêng ông bị phạt tử hình.

Sau khi phải xử đi, xử lại nhiều lần do áp lực của công luận, tám năm sau, bản án kết tội ông và các thành viên trong gia đình vợ của ông giết bà Mỹ mới bị hủy vì không có căn cứ để kết luận họ giết người. Án tử hình đã tuyên đối với ông được rút lại nhưng ông vẫn phải ở tù vì giết bà Bông. Bảy người trong gia đình vợ của ông được trả tự do.

Bản án chung thân dành cho ông Nén đã khơi dậy lương tâm của một người tù. Khi ra tù ông viết thư, gửi cho nhiều nơi, kể rằng, hai người bạn của ông mới thực sự là những kẻ đã giết bà Bông. Các con của bà Bông cũng gửi đơn kêu oan cho ông. Một vài viên chức trong chính quyền địa phương cũng đề nghị xét lại bản án đã tuyên với ông vì không ai tại nơi ông cư trú tin ông là thủ phạm giết bà Bông.

Vụ Huỳnh Văn Nén “giết người, cướp tài sản” tiếp tục bị “nâng lên, đặt xuống” cho tới Tháng Mười, 2015, công an mới “tạm tha,” cho ông “tại ngoại để chữa bệnh.”

Đến Tháng Mười Một, 2015, công an cho biết đã bắt được hung thủ giết bà Bông để cướp tài sản, chính thức thừa nhận ông bị oan và đầu Tháng Mười Hai, 2015, hệ thống tư pháp ở Bình Thuận tổ chức xin lỗi ông. Nay thì chính thức xác định sẽ bồi thường 10 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, áp lực của dư luận đã buộc chính quyền Việt Nam phải xem lại nhiều vụ án. Số tiền bồi thường càng lúc càng cao, tỉ lệ thuận với việc bạch hóa về mức độ càn rỡ của hệ thống tư pháp tại Việt Nam (bắt giữ tùy tiện, tra tấn-khủng bố tinh thần buộc nhận tội, kết án không thèm xem xét).

Trước ông Nén, số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (7.2 tỷ đồng) đã được xem là chưa từng có.

Năm 2003, ông Chấn, ngụ tại Bắc Giang, bị cáo buộc “giết người,” “cướp tài sản.” Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội, chưa kể ông liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân. Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông được trả tự do hồi cuối năm 2013 sau 10 năm bị giam giữ.

Người ta tin rằng, sau ông Nén sẽ có thêm những kỷ lục mới về tiền bồi thường, chẳng hạn khoản bồi thường cho ông Hàn Đức Long chắc chắn phải cao hơn khoản mà chính quyền Việt Nam bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén.

Hồi năm 2005, công an tỉnh Bắc Giang kêu gọi dân chúng tố giác thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Long, gửi đơn tố giác ông. Đây là lý do khiến công an bắt ông này. Trong tù, ông nhận là thủ phạm nhưng tại tòa, ông cũng kêu oan và tố giác công an tra tấn ông.

Ông nhấn mạnh, chỉ nhận tội với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa nhưng cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt nhân chứng, bằng chứng chứng minh ông vô tội (thời điểm bé gái bị cưỡng hiếp và bị giết, ông đang xay thóc với hàng chục người) nhưng những cơ quan này không thèm xem xét.

Ông Long bị tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm kết án tử hình. Tòa Án Tối Cao hủy án, yêu cầu điều tra lại. Khi xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai, cả tòa án tỉnh lẫn tòa phúc thẩm vẫn tuyên tử hình ông. Do áp lực của dư luận, tòa tối cao tiếp tục hủy bản án tử hình thứ hai. Tháng Mười Hai, 2016, ông chính thức được xác định là vô tội.

Theo tính toán từ luật sư của ông Long thì ông có quyền đòi bồi thường từ 12 đến 15 tỷ đồng. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT