Thursday, March 28, 2024

Học sinh chui túi nylon qua suối đến trường ‘phản cảm’ nhưng ‘an toàn’

ĐIỆN BIÊN, Việt Nam (NV) – Ông phó chủ tịch tỉnh cho rằng, nhiều học sinh ở xã Na Sang, huyện Mường Chà, phải chui vào nằm trong túi nylon để người lớn kéo qua suối đến trường là “phản cảm,” nhưng là giải pháp để bảo đảm “an toàn cho các cháu trong mùa mưa lũ.”

Ngày 5 Tháng Chín, 2018, là ngày khai giảng của gần 22 triệu học sinh ở Việt Nam. Cũng trong ngày này, hàng chục học sinh ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, do chưa có cầu, đã phải chui vào nằm gọn trong túi nylon để người lớn kéo qua suối đến trường, gây chấn động dư luận.

Nói với báo Người Lao Động, ông Vàng A Pó, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Na Sang, cho biết tình trạng học sinh phải chui túi nylon để người lớn kéo qua sông đi học diễn ra hằng ngày.

Theo ông A Pó, khoảng 40 học sinh lớp 4, 5 và toàn bộ học sinh cấp hai của bản Huổi Hạ đến trường trên con đường ra trung tâm xã Na Sang dài khoảng 17 cây số. Các em học nội trú nên cuối tuần về nhà. Con đường này có thể đi bằng xe gắn máy nhưng mùa mưa lối đi chỉ rộng một mét, phần lớn học sinh sẽ đi bộ. Các em mất khoảng 5 giờ để tới trường.

Để đến trung tâm xã, học sinh phải đi qua một con suối Nậm Chim rộng hơn 20 mét. Vào mùa khô, có một cây cầu tạm được xây dựng bằng gỗ và đá giúp đường đi thuận lợi hơn. Nhưng đến mùa mưa (từ Tháng Sáu đến Tháng Mười), cây cầu tạm không thể trụ nổi, học sinh phải đi bằng bè hoặc chui vào túi.

“Đây là bản biên giới giáp với nước Lào, đời sống người dân khó khăn, xung quanh khu vực này cũng không có cây cầu nào. Xã đã kiến nghị lên trên xin hỗ trợ một cây cầu nhưng chưa thấy có ý kiến phản hồi,” ông Pó nói.

Ông Pó cho hay, bản Huổi Hạ có hơn 75 gia đình với hơn 400 người, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Muốn đi đến những khu trung tâm phải đi qua con suối và đi đường rừng khá lâu mới đến được. Mỗi khi nước lũ lên thì bản Huổi Hạ gần như bị cô lập, nước suối dâng rất cao.

Hình ảnh học sinh chui túi nylon băng qua suối với sự giúp sức của người lớn. (Hình: VOV)

Theo báo Zing, nói về phương hướng khắc phục tình trạng học sinh chui vào túi nylon, ông Nguyễn Minh Phú, chủ tịch huyện Mường Chà, cho hay trước khi làm cầu phải làm đường trước.

“Làm cầu khoảng 6 tỷ đồng (hơn $257,316) nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỷ đồng để làm đoạn đường khoảng 20 km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này. Con đường vào suối chỉ đi được bằng xe gắn máy,” ông Phú cho hay.

Chiều cùng này, nói về sự việc này với báo Trí Thức Trẻ, ông Lê Văn Quý, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Điện Biên, xác nhận “lãnh đạo huyện Mường Chà đã báo cáo về việc này.”

Theo ông Quý, do đặc thù ở các tỉnh miền núi vào mùa nước cạn, con suối trên nhỏ nên bà con dựng chiếc cầu tạm để qua lại. Tuy nhiên, khi nước lũ đổ về, suối trở nên hung dữ, gây ra lũ lụt. Và năm nay, nước lớn đã cuốn trôi cầu tạm cũng như bè của người dân ở bản Huổi Hạ.

Do bị chia cắt, không có cách khác qua suối nên người dân mới cho con em vào túi nylon rồi nhờ người lớn đưa qua suối đi học.

“Cũng như bản Huổi Hạ, một số bản vùng sâu vùng xa khác chưa làm được đường xe hơi, vì vậy tại các suối chưa có cầu cứng mà chỉ có cầu tạm hoặc bè mảng. Vào mùa lũ, do nước lớn phải dỡ cầu hoặc mất cầu tạm, bè mảng khiến các nơi này bị chia cắt, biệt lập,” ông Quý nói.

“Việc cho học sinh vào túi nylon rồi người lớn đưa cho qua suối như vậy phản cảm quá, nhưng cũng là một giải pháp để bảo đảm an toàn cho các cháu bởi đặc thù của các tỉnh miền núi, nhất là vùng sâu, xa người dân sống phân tán, địa hình hiểm trở, ngăn cách bởi sông suối,” ông Quý được trích lời nói.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên nêu rõ, do vấn đề kinh phí eo hẹp, không giải quyết được ngay nên tỉnh đã chỉ đạo huyện cần tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp đỡ cho các cháu học sinh tới trường và đảm bảo an toàn cho các em?! (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT