Thursday, March 28, 2024

Hơn 3 tấn cà phê trộn pin Con Ó làm rúng động dư luận

ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Lâu nay, tại Việt Nam, đã có tin chưa được xác thực về việc người ta dùng pin khi luộc bắp, bánh chưng.. cho mau chín và giữ màu xanh của lá dong gói bánh, nhưng đây là lần đầu tiên một vụ dùng pin để nhuộm đen cà phê bột được xác nhận công khai trên mặt báo.

Hôm 18 Tháng Tư, truyền thông Việt Nam tiếp tục đưa tin về vụ cơ sở sản xuất cà phê rang từ vỏ cà phê, bột đá và trộn lẫn… bột than từ lõi pin Con Ó tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.

Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ.

Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Bà Loan thừa nhận từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn ‘cà phê bẩn’. Bà Loan thừa nhận làm hành vi này chỉ nhằm mục đích kiếm lời. Sản phẩm được đóng gói từ cơ sở của bà Loan được bán đi nhiều nơi nhưng không gắn nhãn hiệu. Cơ quan chức năng đã niêm phong, thu giữ 15 tấn cà phê đã nhuộm đen bằng than pin, được đóng gói chuẩn bị tung ra thị trường.”

“Ngoài ra, Phòng Cảnh Sát Môi Trường-Công An tỉnh Đắk Nông cũng thu giữ 500kg vỏ cà phê, 35kg than pin và 10kg dung dịch màu đen gồm nước và than pin… Hiện trong kho của bà Loan còn rất nhiều cà phê phế phẩm đã được trộn dung dịch màu đen” tờ báo viết.

Báo Người Lao Động viết: “Bước đầu, bà Loan khai nhận thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ.”

Hơn 21 tấn cà phê bẩn đã bị thu giữ. (Hình: Báo Gia Đình)

Báo Đắk Nông hôm 18 Tháng Tư cho biết thêm: “Ông Nguyễn Văn Chương, chi cục phó Chi Cục Quản Lý Nông-Lâm Sản và Thủy Sản, thuộc Sở Nông Nghiệp tỉnh Đắk Nông, khẳng định: Việc cơ sở thu mua nông sản của bà Loan có hành vi trộn phế phẩm cà phê với bột đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với nước pha lõi pin, rồi phơi sấy để tạo ra một hỗn hợp là có thật. Tuy nhiên việc làm này vào mục đích gì thì cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được do chủ cơ sở chưa khai báo. Cơ sở này không đăng ký sản xuất cà phê rang xay, không có bao bì nhãn mác để sản xuất cà phê bột thành phẩm. Vì vậy, việc đưa thông tin cơ sở này sản xuất ‘cà phê bẩn’ là chưa chính xác, có phần quy chụp, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê rang xay của tỉnh và của cả nước.”

Bác Sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng Sài Gòn được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Loại cà phê này chắc chắn rất có hại cho sức khỏe của người uống, bởi nó chứa quá nhiều thành phần phức tạp, trong đó đặc biệt có pin. Khi uống, cơ thể sẽ phải chuyển hóa để thải độc nên rất hại gan, thận và làm giảm các chức năng của hệ tiêu hóa. Việc có nhiều kim loại nặng còn có thể gây tổn thương hệ thống thần kinh. Do đó, những nguy hiểm của việc uống phải loại cà phê này còn lớn hơn rất nhiều so với việc bị ngộ độc thực phẩm.”

Cũng cần nói thêm, tỉnh Đắk Nông được cho là một trong những “thủ phủ” của cà phê Việt Nam. Hồi cuối năm ngoái, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết: “Theo Trung Tâm Khuyến Nông-Khuyến Ngư Đắk Nông thuộc Sở Nông Nghiệp tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh này hiện có gần 125,000 ha cà phê; trong đó có gần 110,000 ha đang cho thu hoạch ổn định, tổng sản lượng hơn 250,000 tấn. Hiện cà phê là loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Đắk Nông, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ngành nông lâm nghiệp, cũng là loại cây góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm.” (T.K.)

Cả triệu dân Vũng Tàu dùng nước sinh hoạt đầy nước thải trại heo

MỚI CẬP NHẬT