Thursday, March 28, 2024

Hủ tíu Thanh Xuân ở Sài Gòn, 70 năm còn ‘mãi thanh xuân’

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Trưa cuối năm Sài Gòn. Hẳn nhiên khu trung tâm Quận I đâu có thiếu các quán cơm văn phòng hay nhà hàng tiệm quán đủ hạng; vậy mà có một nhóm nghệ sĩ tuổi trung niên lại hẹn hò nhau đi ăn một món chỉ để ăn sáng hoặc ăn đêm, đó là món hủ tíu.

Vì sao họ lại thích đảo lộn thực đơn thường ngày như vậy? Quả thật rất đáng để quên bữa cơm trưa mà ăn ngon lành bữa hủ tíu ở một tiệm lừng danh suốt 70 năm. Tiệm hủ tíu Thanh Xuân, trên đường Tôn Thất Hiệp, tiệm này còn có tên lừng danh khác gắn liền với món hủ tíu thuần Việt bậc nhất là hủ tíu Mỹ Tho.

Nằm nép mình ở một khu phố thương mại nhà cao cửa rộng, cái tiệm hủ tíu này đã qua hàng chục năm biến động nhân sinh – thế cuộc vẫn trước sau tự tin chung thủy nguyên trạng cách trang trí, bảng hiệu và nghệ thuật nấu hủ tíu đặc biệt của mình.

Thật ra ở Sài Gòn hiện nay vẫn có ít thương hiệu không thích thay đổi theo thời. Giữ gìn bản sắc đó không phải do không có điều kiện tài chánh để biến hàng hiệu của mình thành một thứ hợp thời đại, phải chăng các chủ nhân đó cho là, thay đổi theo thời này ư, có đáng không!

Dù là bữa trưa, nhưng quán Thanh Xuân vẫn đông khách đến mức phải chờ để có được chỗ ngồi. Khi một nhóm thực khách vừa rời cái bàn kê lấn bên hông mặt tiền, thì lập tức đã có người thế chỗ và gần như họ phải tự gom tô và dùng khăn giấy lau bàn. Chúng tôi cũng phải ngồi ngoài vỉa hè và thấy mừng vì vào tiết Tháng Chạp trời Sài Gòn phần nào nắng dịu, gió mát.

Gọi món hủ tíu cua, tôm nấu khô, mà theo nhiều người là “ngon hết xẩy.” Bà chủ, một người phụ nữ miền Nam tuổi trung niên cũng là người chạy bàn và bà có vẻ mệt nên không muốn trả lời vài câu hỏi của thực khách về quán có món hủ tíu lừng danh này. Thật ra, qua mạng xã hội các thông tin về quán Thanh Xuân đã được biết khá đầy đủ, nhưng vì quán đã có tuổi đời lừng danh suốt 70 năm nên ai cũng thích hỏi thăm, đó cũng là một cách bày tỏ sự hâm mộ.

Không phải chờ lâu, tô hủ tíu khô nấu với thịt cua biển và tôm tươi được bà mang ra. Một nhà báo đi cùng khoe giùm bà chủ quán trước các thực khác, “Tôi bảo đảm đây là tô hủ tíu khô duy nhất trên toàn cõi Việt Nam có chan nước xốt, thứ nước xốt đặc biệt của của tiệm này, quí vị ăn đi để biết ngon đến mức nào!” Như không nén được cảm xúc trước lời khen, bà chủ quán lên tiếng luôn. Nước xốt do quán tui chế, lâu năm rồi, cứ mấy tiếng đồng hồ là chế nước xốt mới, để lâu không được bảo đảm chất lượng.”

Bảng hiệu của quán Thanh Xuân vẫn không thay đổi. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Các kiểu nấu hủ tíu ở xứ Sài Gòn-Chợ Lớn ngày xưa, nay của người Hoa, người Việt đã đưa ra nhiều khẩu vị khác nhau, nhưng chế hủ tíu có nước xốt riêng với vị cà chua ăn như một món ăn theo phong vị dân Tây thì đúng là một sáng tạo để phù hợp với đô thành Sài Gòn vào thời văn minh phương Tây thịnh hành.

Khi chúng tôi gọi thêm một dĩa rau thơm, giá sống ăn kèm, bà chủ quán mang ra và vui vẻ nói cho chúng tôi biết thêm về lịch sử của quán. Hủ tíu Thanh Xuân do ông ngoại bà lập ra khi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn sinh sống từ năm 1946. Ban đầu quán bán trong một con hẻm cạnh chùa Ấn Giáo và mở rộng như ngày nay.

Có người còn cho rằng ngay đến cọng hủ tíu cũng khác lạ hơn nơi khác, cọng hủ tíu của tiệm Thanh Xuân thuộc dòng hủ tíu dai đặc trưng của xứ Mỹ Tho. Ngày xưa, khi mời đi ăn tiệm này, nhiều người Sài Gòn chỉ nói: Đi ăn hủ tíu Mỹ Tho. Có lẽ vì nhờ đó mà thương hiệu hủ tíu Mỹ Tho vang danh đất Sài Thành. Người khác thì không đồng tình với ý đó, họ cho rằng với nghệ thuật nấu hủ tíu khô kèm với thịt cua biển, tôm tươi, nước xốt… đã tạo nên một thứ hương vị có một không hai.

Không phải vì ảnh hưởng chuyện ăn nhiều của người Sài Gòn hiện nay mà chúng tôi, ai cũng  gọi ăn thêm một tô hủ tíu nữa. Thật ra giữa Sài Gòn lúc này tràn ngập các nhà hàng, tiệm quán cố dựng lại từ cách trang trí, cách phục vụ, cách chế biến món ăn sao cho đúng kiểu Sai Gòn xưa, dù ghi nhận điểm son đó, vẫn phải thật lòng mà nói, tìm được một không gian quán ăn và món ngon miệng như tiệm hủ tíu Thanh Xuân này là việc chỉ  đếm trên đầu ngón tay.

Rời tiệm hủ tíu Thanh Xuân, nhìn cảnh quán nhỏ xưa cũ nhưng không hề đánh mất phong cách Sài Gòn giữa nhí nhố phố lầu, tòa cao ốc thời thượng. Với chúng tôi, và nhiều thực khách khác, hương vị hủ tíu Thanh Xuân, một thương hiệu món ngon tồn tại và đồng hành với người Sài Gòn qua 70 mươi năm mới là thứ quí hiếm đáng trân trọng nhất. (Trần Tiến Dũng)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Canh rong biển tàu hủ non”

MỚI CẬP NHẬT