Thursday, March 28, 2024

Huyện nghèo ở Đắk Lắk làm đường tới nhà quan thì dừng

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Ngoài việc xây “biệt phủ gỗ khủng,” cựu chủ tịch huyện Ea Súp còn được chính quyền địa phương “ưu ái” làm đường vào tận “biệt phủ.”

Theo báo Tiền Phong, trên con mương chính Tây dẫn nước từ hồ Ea Súp thượng, chính quyền cho đổ bê tông trên mặt đường đến cổng nhà ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ea Súp, rồi dừng trong khi đoạn còn lại là đường đất, bụi bay mù mịt.

Ngoài con đường trên, tại thị trấn Ea Súp, còn nhiều đường đất, giao thông đi lại rất khó khăn. “Mùa nào khổ mùa đó. Mưa về thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù. Nhưng chính quyền địa phương lại quá ưu ái cho ông Quang,” một người dân địa phương than.

Đoạn đường bê tông dẫn vào nhà ông Quang dài khoảng 500 mét, rộng hơn 3 mét. Đối diện với đường dẫn vào nhà ông Quang là hai đường Chu Văn An và đường Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn bụi đất.

“Chúng tôi sống ở đây bao nhiêu năm, mòn mỏi mơ mộng, chỉ mong có được một con đường như trước nhà ông Quang mà chẳng được. Họ làm quan lớn, dự án điều đi đâu mà chẳng được,” một người dân sống tại đây cho biết.

Còn một người dân khác tức giận nói: “Đáng lẽ, chính quyền nên ưu tiên làm đường bê tông cho người dân đi trước, hơn là ưu ái cho quan chức. Như đoạn này, hằng ngày có hàng ngàn học sinh và người dân đi lại nhưng hư hỏng, bụi bay mù mịt.”

“Một cán bộ thị trấn Ea Súp cho biết, do dự án này chỉ bố trí được khoảng 900 triệu đồng (hơn $39,628), thuộc nguồn vốn nông thôn mới, nên đường chỉ được làm đến nhà ông Quang rồi thôi. Đoạn còn lại phải chờ đến khi nào có vốn rồi mới làm tiếp,” báo Tiền Phong cho hay.

Bên trong “biệt phủ” gia đình ông Trần Ngọc Quang. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Quang thừa nhận ông sở hữu nhiều nhà đất trong đó có “biệt phủ gỗ khủng” bên kênh chính Tây và tòa nhà rất lớn ở cổng chợ huyện Ea Súp, dãy nhà (và đất) cho thuê trên đường Lạc Long Quân (nối tỉnh lộ 1 vào huyện ủy, ủy ban huyện Ea Súp) và cây xăng Phương Bông gần bến xe Ea Súp.

Những bất động sản kể trên đều nằm ở trung tâm thị trấn Ea Súp, có giá trị nhiều tỷ đồng. Ông Quang khẳng định đất đai, nhà cửa ở những địa điểm trên là thuộc sở hữu của ông, có giấy tờ từ lâu, “báo chí, dư luận quan tâm làm gì,” Tuổi Trẻ cho hay.

Báo Tiền Phong dẫn chứng, ông Trần Ngọc Quang sở hữu “biệt phủ” độc nhất vô nhị ở huyện Ea Súp, bởi vì đây là huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, và cũng là điểm nóng về phá rừng trong tỉnh.

“Theo báo cáo về công tác giảm nghèo và phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2018 của ủy ban huyện Ea Súp, trong năm 2017 tổng số hộ nghèo và cận nghèo của huyện này cộng lại chiếm tới hơn 53% dân số toàn huyện… Thế nhưng, nhiều quan chức của huyện này (những người đã nghỉ hưu và đang đương chức) rất ‘chịu chơi’ mua sắm cho mình những căn nhà gỗ ‘khủng,’” báo này cho hay.

Báo này cũng cho hay, năm 2014 ông Trần Ngọc Quang khi còn đương chức chủ tịch huyện Ea Súp đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Đắk Lắk kỷ luật “Cảnh cáo” vì sử dụng gỗ không hợp pháp để làm “biệt phủ.” Theo đó, có khoảng 10 khối gỗ ông Quang làm nhà không có giấy tờ hợp pháp. Sau đó, ông Quang đã hợp thức hóa chứng từ số gỗ nói trên. (Tr.N)

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chàng ăn mày sách với chương trình Sách hóa nông thôn”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT