Thursday, April 18, 2024

Kế hoạch cổ phần hóa công ty quốc doanh ở Việt Nam vẫn ì ạch

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Kế hoạch cổ phần hóa các công ty quốc doanh phần lớn “lãi giả, lỗ thật” sẽ không đạt chỉ tiêu đã đề ra cho năm nay, chẳng khác gì những năm trước đây.

Theo tin của tổ chức thông tin tài chính Nikkei Nhật Bản, nhà cầm quyền CSVN sẽ tổ chức thoái vốn của nhà nước trong một số công ty quốc doanh dưới hình thức bán đấu giá cổ phần của năm công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, được xưng tụng là “blue chip” tại Việt Nam, vào Tháng Mười Hai tới đây.

Công ty kinh doanh được gọi là “blue chip” khi cổ phiếu của nó có tính dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của toàn bộ giới đầu tư chứng khoán. Như ở Mỹ, 30 công ty lớn nhất, 30 cổ phiếu “blue chip” được lựa chọn để xây dựng nên chỉ số kỹ nghệ chứng khoán Dow Jones.

Dự trù các công ty này sẽ được đấu giá vào tuần lễ thứ hai và thứ ba trong Tháng Mười Hai gồm cổ phiếu của FPT (5.96%), Tiền Phong Plastic (37.1%), Bình Minh Plastic (29.51%), Domesco Medical Export-Import (34.71%), và Vietnam Construction and Import-Export (21.79%) tên tiếng Việt là Tổng Công Ty Xuất Nhập Khẩu và Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex).

Theo lời ông Nguyễn Chí Thành, phụ tá tổng giám đốc điều hành Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC), năm công ty nói trên đều những công ty hàng đầu trong lãnh vực họ kinh doanh và đạt tỉ lệ lợi nhuận hai con số gia tăng trong mấy năm vừa qua.

Số lượng cố phiếu được đem bán đấu giá ước lượng trị giá 10,000 tỷ đồng hay khoảng $440 triệu theo giá thị trường hiện tại. SCIC là cơ quan độc quyền của nhà nước CSVN quản trị vốn của nhà nước tại hầu hết các công ty quốc doanh có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán nội địa.

Năm nay là năm đầu tiên SCIC thực hiện bán vốn nhà nước với một thời khóa biểu rõ rệt trong nỗ lực gia tăng sự minh bạch. Cơ quan này từng tổ chức những buổi quảng bá di động để người ta hiểu hơn thủ tục bán đấu giá cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả thu được thấp hơn là cái họ hy vọng đạt được cho dù nhà cầm quyền từng đe dọa các lãnh đạo công ty quốc doanh phải cố phần hóa sẽ bị trừng phạt nếu không thực hiện đúng hạn kỳ kế hoạch.

Trong năm 2017, SCIC lập danh sách tổng cộng 90 công ty quốc doanh phải bán vốn nhà nước. Theo một bản báo cáo của công ty Nghiên Cứu Chứng Khoán Sài Gòn (Saigon Securities Research – SSR) thì mới chỉ bán được cổ phần cho 20 công ty tính đến Tháng Mười. Khó khăn xảy ra với hai chục công ty quốc doanh đã làm giới đầu tư tránh né, theo lời ông Phạm Hùng, một phân tích gia của SSR, nói với Nikkei.

Số lượng công ty quốc doanh thoái vốn của nhà nước quá thấp so với kế hoạch như thế, sẽ đè mạnh áp lực lên quý cuối năm của năm nay. Mà như vậy phần lớn kế hoạch phải thực hiện trong năm nay sẽ lại bị dồn sang cho năm tới và năm tới nữa. Trong số đó, người ta thấy có những công ty như công ty Đầu Tư và Phát Triển Hạ Tầng Việt Nam, công ty Cơ Khí và Khoáng Sản Hà Giang, Tổng Công Ty Tái Bảo Hiểm Việt Nam, công ty Xuất Nhập Khẩu Sa Giang, công ty Bảo Hiểm Bảo Minh.

Tuy không đạt chỉ tiêu nhưng các vụ bán thành công cũng giúp cho SCIC thu được cho nhà nước 20,000 tỷ đồng (hơn $880 triệu), trong đó có 9,000 tỷ đồng (hơn $396 triệu) từ bán 3.3% cổ phần của Vinamilk trong Tháng Mười Một. Năm 2016, SCIC bán cổ phần của 73 công ty quốc doanh, thu hồi về cho nhà nước được 16,000 tỷ đồng (hơn $704 triệu).

Hồi đầu Tháng Mười Một, tại một cuộc hội thảo, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham), nêu ra năm rào cản khiến giới đầu tư ngoại quốc không hào hứng tham gia vào các vụ nhà cầm quyền Hà Nội thoái vốn của nhà nước ở các công ty quốc doanh.

Đó là “khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực; định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều doanh nghiệp nhà nước không còn có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là tiến trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt,” theo tường thuật của báo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 2 Tháng Mười Một.

Sau hơn một thập niên, trước sự thúc ép của các định chế tài trợ quốc tế, tính đến cuối năm 2016, tổng số công ty quốc doanh tại Việt Nam là 718 doanh nghiệp, giảm xuống từ 12,000 công ty của những năm đầu thập niên 2000.

Theo báo cáo của nhà cầm quyền CSVN về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1.5 triệu tỷ đồng. (TN)

Ông cụ nghèo miền Tây trả lại $2,220 cho người đánh rơi

MỚI CẬP NHẬT