Thursday, April 18, 2024

Kế hoạch ‘đóng tàu vỏ thép’ thất bại, ngư dân Việt ngập trong nợ nần

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Nhiều tỉnh miền Trung xin giãn nợ cho ngư dân đóng tàu vỏ thép,” theo bản tin của VNExpress hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Tám, 2019, minh chứng kế hoạch tốn rất nhiều tiền nhưng thất bại.

Theo nguồn tin trên, rất nhiều chủ tàu đánh cá vay tiền ngân hàng đóng tàu vỏ thép thay thế hàng ngàn tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép “giúp ngư dân bám biển” hiệu quả hơn, tăng lợi nhuận và đồng thời sự hiện diện của họ góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Gần đây nhiều chi nhánh ngân hàng ở một số tỉnh miền Trung đã xúc tiến khởi kiện những ngư dân vay tiền đóng tàu vỏ thép (theo chính sách của nghị định 67), song chậm trả dẫn đến nợ xấu hàng tỷ đồng,” VNExpress đưa tin.

“Ngân hàng Công Thương chi nhánh thành phố Vinh cuối năm 2018 thắng kiện một chủ tàu ở thị xã Cửa Lò, thu lại con tàu trị giá 11 tỷ đồng (lúc đóng mới); ngoài ra, 8 chủ tàu khác đang bị chi nhánh ngân hàng này khởi kiện.”

Hiện các chủ tàu ở Nghệ An có tổng nợ xấu 180 tỷ đồng (riêng ngân hàng Công Thương là 73 tỷ đồng). Tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam cũng có những câu chuyện tương tự về nợ nần của ngư dân chủ tàu vỏ thép.

Con tàu của ông Nguyễn Văn Lý (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) hợp đồng với công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) trị giá gần 16 tỷ đồng bị gỉ sét từng mảng lớn. (Hình: VNExpress)

Tuần trước, ngày 13 Tháng Tám, 2019, VNExpress kể chuyện một số ngư dân miền Trung vay tiền đóng tàu vỏ thép làm ăn thua lỗ vì “thu không đủ bù chi” nên “nợ xấu hàng tỷ đồng,” nguy cơ bị ngân hàng cho vay tiền kiện đòi trả cả vốn lẫn tiền lời hàng tỷ đồng.

Tháng Bảy, 2014, nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra “Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản” rồi hơn một năm sau bổ túc một số điều thành “Nghị định 89.” Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2,079 tàu đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Kế hoạch đưa ra sau cuộc đối đầu của lực lượng trên biển của Việt Nam được đưa đến ngăn chặn giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoan tìm dầu khí phía nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Một số tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá của Việt Nam hoặc bị tàu Trung Quốc to lớn hơn, đâm hư hại nghiêm trọng, hoặc bị đâm chìm.

Ngay sau vụ đụng độ, vào Tháng Tám 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn CSVN vội đưa ra “21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.” Ngư dân nào chịu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên “được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.”

Một số công ty tư nhân và cả công ty quốc doanh, có cả công ty kinh tài của Bộ Công An xúm vào cấu xé món thầu béo bở này lên hơn $1 tỷ qua các trò ma mãnh, gian dối. Hợp đồng cam kết một đàng, thực chất con tàu một khác. Bản hợp đồng xác định thép tốt với khả năng chống rỉ sét của Nam Hàn hay Nhật Bản, nhưng nhà thầu dùng thép xấu của Trung Quốc.

Máy tàu thì mua máy tàu cũ phế thải ở nước ngoài thay vì là máy mới nhập cảng từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Đủ mọi thứ gian dối từ loại sơn bên ngoài tới các loại trang bị bên trong. Hậu quả, nhiều con tàu khi giao cho ngư dân vừa ra khơi đã hỏng hóc, rỉ sét từ ngoài vào trong, sửa chữa vô cùng tốn kém mà nhiều tàu vẫn không thể ra khơi “bám biển.”

Báo chí trong nước hồi năm 2017 phơi bày sự toa rập giữa quan chức của nhiều cơ quan nhà nước với đám nhà thầu đóng tàu, đẩy ngư dân vào thế kẹt, nhưng rồi mọi chuyện bị đẩy cho chìm xuồng sau một vài màn cam kết sửa chữa qua loa. Một số ngư dân muốn đi kiện nhưng đã bị cản trở không cho kiện. (TN)

MỚI CẬP NHẬT